Báo Đồng Nai điện tử
En

Thu hút đầu tư khởi nghiệp lĩnh vực logistics

Vương Thế
08:26, 06/09/2024

Đồng Nai nằm trong khu vực kinh tế lớn nhất cả nước nên có nhiều điều kiện thu hút đầu tư lĩnh vực vận tải, logistics. Bên cạnh đó, với nhu cầu lớn khi Sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào tỉnh ngày càng nhiều.

Thu hút đầu tư, khởi nghiệp lĩnh vực logistics là nhiệm vụ Đồng Nai đang nỗ lực thực hiện. Ảnh: H.Lộc
Thu hút đầu tư, khởi nghiệp lĩnh vực logistics là nhiệm vụ Đồng Nai đang nỗ lực thực hiện. Ảnh: H.Lộc

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy phát triển lĩnh vực logistics, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế, Đồng Nai cần ban hành các quy hoạch, chiến lược hợp lý, đồng thời kết nối, thành lập hiệp hội ngành nghề và tổ chức liên quan, tạo điều kiện hỗ trợ DN.

Chưa tương xứng tiềm năng

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Trường đại học Lạc Hồng) đánh giá, năng lực DN logistics Đồng Nai còn có những hạn chế nhất định. Hiện Đồng Nai có khoảng 500 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, tăng 15% so với năm 2020. Trong đó, DN nhỏ và vừa chiếm đến 80%. Số lượng DN quy mô lớn liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài là 72, tăng 44% so với năm 2020.

Các dịch vụ logistics chủ yếu là vận tải đường bộ chiếm 40%, kho bãi 30%, giao nhận hàng hóa 20%. Dịch vụ giá trị gia tăng (đóng gói, dán nhãn, quản lý chuỗi cung ứng...) còn hạn chế, chiếm khoảng 10%. Thị trường logistics Đồng Nai chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa, chiếm khoảng 70-75% doanh thu. Tỷ lệ DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn thấp. Bên cạnh đó, một số DN đã ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành và khai thác dịch vụ logistics nhưng còn rất ít so với tiềm năng và nhu cầu.

Các DN lĩnh vực logistics mong muốn tỉnh rà soát các quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng với mục tiêu phát triển ngành. Gắn quy hoạch trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm kho bãi trong một tổng thể thống nhất; đầu tư hạ tầng giao thông kết nối từ cảng cạn, trung tâm logistics đến tuyến giao thông trục chính.

Theo các chuyên gia, sự cạnh tranh giữa các DN dịch vụ logistics ngày càng khốc liệt. Do đó, việc hiểu rõ các yếu tố quyết định đến sự lựa chọn DN dịch vụ logistics của khách hàng cá nhân là vô cùng cần thiết. Để có thể thu hút khách hàng, các DN dịch vụ cần đầu tư vào quy trình đóng gói chất lượng cao và đảm bảo hàng hóa được bảo vệ tốt trong suốt quá trình vận chuyển, áp dụng công nghệ giám sát hàng hóa. Đồng thời, coi việc tối ưu hóa thời gian giao hàng, giảm thiểu thời gian chờ và chi phí không cần thiết là ưu tiên để tạo lợi thế cạnh tranh.

Đối với địa phương, để thu hút đầu tư từ DN nói chung, khởi nghiệp lĩnh vực logistic nói riêng, hệ thống hạ tầng là điều tiên quyết. Cùng với sân bay, Đồng Nai cũng phải đầu tư cải thiện hệ thống giao thông, đặc biệt là đường sắt và đường cao tốc, đồng thời hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ nội tỉnh, phát triển giao thông đường thủy.

Theo Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng, hạ tầng đóng vai trò xương sống trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và logistics, việc đồng bộ hạ tầng giao thông trên các lĩnh vực sẽ thúc đẩy và thu hút ngày càng nhiều hơn nhà đầu tư, DN lựa chọn ngành nghề này để phát triển.

Cần sớm có hiệp hội ngành nghề

Cùng với việc đầu tư đồng bộ về hạ tầng, thiết lập danh mục, dự án kêu gọi đầu tư thì một trong những yêu cầu hiện nay là cần có một tổ chức, đầu mối để liên kết, phát triển DN lĩnh vực logistics của tỉnh.

Giám đốc Công ty CP Tân Cảng Long Bình Phan Anh Tuấn khuyến nghị tỉnh chỉ đạo và hỗ trợ thành lập Hiệp hội Logistics Đồng Nai. Theo đó, xác định hiệp hội logistics và các hiệp hội ngành nghề là đối tác của chính quyền trong việc thúc đẩy ngành nghề phát triển. Chính quyền hỗ trợ và đồng hành với các hoạt động của các hiệp hội để hiệu quả hoạt động cao hơn, góp phần hình thành sự liên kết chặt chẽ các ngành nghề trong nền kinh tế.

Cũng theo ông Tuấn, tỉnh cần xác định dịch vụ logistics là ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn trong chiến lược phát triển giai đoạn từ nay tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phát huy sức mạnh hành động của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN. Các cơ quan chuyên môn nhà nước trong tỉnh tiếp tục xây dựng và triển khai các chương trình hành động nhằm tạo thuận lợi thương mại cho DN xuất, nhập khẩu. Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với hoạt động logistics theo hướng điện tử hóa, thông minh, phù hợp chuẩn mực quốc tế.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, Đồng Nai xác định logistics là ngành nghề quan trọng, phục vụ tương lai. Tập trung thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực này cũng nhằm phát huy các lợi thế to lớn của địa phương về Sân bay quốc tế Long Thành, Sân bay Biên Hòa, hệ thống đường cao tốc, vành đai, đường sắt, hệ thống cảng biển… và tỉnh sẽ luôn đồng hành với DN. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương khẩn trương tham mưu UBND tỉnh sớm thành lập Hiệp hội Logistics Đồng Nai để kết nối các DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, thúc đẩy phát triển ngành nghề trên địa bàn, phát huy lợi thế mà địa phương sẵn có.

 Vương Thế

 

 

Tin xem nhiều