Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất giống đặc sản nấm mối đen

Bình Nguyên
08:23, 13/09/2024

Nấm mối là đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao, trước đây chỉ có trong tự nhiên. Gần 6 năm trước, gia đình bà Hoàng Thị Thanh Nga - ông Trần Kim Sơn tiên phong tại địa phương đầu tư nông trại tại xã Cẩm Đường (huyện Long Thành) chuyên trồng đặc sản nấm mối đen.

Ông Trần Kim Sơn, đại diện Chi nhánh Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ sinh học nấm Đất Việt, giới thiệu mô hình trồng nấm mối đen. Ảnh: B.Nguyên
Ông Trần Kim Sơn, đại diện Chi nhánh Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ sinh học nấm Đất Việt, giới thiệu mô hình trồng nấm mối đen. Ảnh: B.Nguyên

Đến nay, từ mô hình nông trại, gia đình bà Hoàng Thị Thanh Nga đã thành lập Chi nhánh Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ sinh học nấm Đất Việt. Ngoài trồng nấm, doanh nghiệp (DN) này chủ yếu sản xuất phôi giống nấm mối đen cung cấp ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước. DN có dịch vụ tư vấn, chuyển giao quy trình trồng nấm mối đen, xây dựng chuỗi liên kết với nhiều nông dân tại địa phương để nhân rộng mô hình trồng nấm mối đen cho hiệu quả kinh tế cao này.

Câu chuyện khởi nghiệp của cả gia đình

Chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp, ông Trần Kim Sơn cho hay, kỹ thuật trồng nấm mối đen do thành viên trong gia đình ông học về chuyên ngành công nghệ sinh học đi học tập ở Thái Lan. Sau đó, gia đình ông ứng dụng vào thực tế, xây dựng trại nuôi trồng nấm mối đen.

Theo ông Sơn, đầu tư sản xuất phôi nấm mối đen cần nguồn vốn lớn, nhất là cần công nghệ cao, quy trình làm tỉ mỉ, phức tạp hơn so với làm giống và trồng các loại nấm thông thường khác. Các khâu xử lý nguyên liệu phôi giống đến cấy giống đòi hỏi quy trình khắt khe, phải thực hiện trong phòng lạnh để tránh nhiễm khuẩn. Sau khi cấy giống, các giá thể được đưa vào trong phòng ươm sợi. Thông thường, để ươm thành công phải mất khoảng 2 tháng. Khi ủ tơ phát triển kín túi sẽ được đưa ra nhà trồng nấm để kích sáng và nhiệt độ cho nấm bắt đầu phát triển.

Hiện Chi nhánh Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ sinh học nấm Đất Việt đang tạo việc làm cho 16 công nhân làm việc thường xuyên và nhiều công nhân làm việc thời vụ.

Yêu cầu về môi trường phù hợp cho nấm mối đen phát triển là phải đảm bảo về nhiệt độ và độ ẩm. Nấm phải được trồng trong phòng lạnh, có hệ thống phun sương và thiết bị đo nhiệt độ để luôn kiểm soát nhiệt độ ở mức phù hợp cho nấm sinh trưởng và phát triển. Nguồn nước tưới phải qua hệ thống lọc để đảm bảo về chất lượng. Chính vì vậy, để nắm vững kỹ thuật sản xuất là cả quá trình học hỏi, rất nhiều lần trả “học phí” từ thực tế sản xuất.

Đến khi quy mô sản xuất ngày càng lớn, gia đình bà Hoàng Thị Thanh Nga thành lập Chi nhánh Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ sinh học nấm Đất Việt vừa sản xuất phôi nấm, vừa trồng nấm mối đen cung cấp ra thị trường.

Bà Nga chia sẻ: “Hiện mấy người con trong gia đình tôi đều tham gia phụ trách từ các khâu sản xuất, quản lý, cũng như phát triển thị trường cho sản phẩm”.

Xây dựng chuỗi liên kết

Chi nhánh Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ sinh học nấm Đất Việt đang cung cấp ra thị trường khoảng 3,6 tấn nấm mối đen/năm. Sản phẩm nấm mối đen của DN đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP; đạt chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Theo bà Nga, DN tuân thủ quy trình gắt gao từ khâu sản xuất phôi giống, nuôi trồng nấm đến thu hoạch, đóng gói đảm bảo cung cấp ra thị trường sản phẩm đạt chất lượng cao.

Công nhân của Chi nhánh Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ sinh học nấm Đất Việt sản xuất phôi nấm mối đen.
Công nhân của Chi nhánh Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ sinh học nấm Đất Việt sản xuất phôi nấm mối đen.

Ngoài ra, DN còn cung cấp phôi giống nấm mối đen ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ông Sơn cho rằng, đầu tư trồng nấm mối đen cần chi phí cao hơn nhiều so với trồng các loại nấm thông thường, vì nấm phải nuôi trồng trong phòng lạnh và nhiều thiết bị khác. Kỹ thuật trồng nấm không quá khó nhưng người trồng phải luôn theo sát trại nấm, tỉ mỉ trong từng khâu chăm sóc thì mới đạt.

Ông Sơn cho biết thêm, thời gian đầu mới giới thiệu nấm mối đen ra thị trường, DN phải đem sản phẩm chào mời khắp nơi. Nhưng hiện nay, người tiêu dùng đã quen với dòng sản phẩm này, chỉ riêng nhu cầu của các quán ăn, nhà hàng ở những thành phố lớn, cung đã không đủ cầu. DN đã liên kết với nhiều hộ nông dân tại địa phương để nhân rộng mô hình này. DN có đội ngũ cán bộ kỹ thuật đến tận trại nấm cầm tay chỉ việc, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng giống nấm đặc sản này.

Nhiều công nhân đang làm việc cho Chi nhánh Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ sinh học nấm Đất Việt thấy hiệu quả kinh tế cao của mô hình trồng đặc sản nấm mối đen cũng mạnh dạn huy động vốn đầu tư. Các hộ dân trồng nấm mối đen tại địa phương được DN cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật. Đến nay, có hơn 10 hộ dân tại địa phương tham gia chuỗi liên kết với DN theo mô hình DN cung cấp phôi giống, sau khi trồng ra nấm, DN bao tiêu sản phẩm rồi mới trừ lại chi phí giống. Nhờ có chuỗi liên kết trên, mô hình trồng đặc sản nấm mối đen đang được nhân rộng tại địa phương, mang lại thu nhập cao, ổn định cho nhiều hộ gia đình.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều