Báo Đồng Nai điện tử
En

Những địa phương dẫn đầu về chỉ tiêu sử dụng đất

Hoàng Lộc
07:30, 11/09/2024

UBND tỉnh mới ban hành quyết định phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất (SDĐ) đến năm 2030 cho các huyện, thành phố. Đây là căn cứ để địa phương quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai.

Đất ở đô thị tại thành phố Biên Hòa.
Đất ở đô thị tại thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.LỘC

Trong quyết định, có địa phương chỉ tiêu SDĐ hơn 100 ngàn hécta, nhưng có địa phương chỉ tiêu này chưa đến 20 ngàn hécta.

3 địa phương có chỉ tiêu sử dụng đất lớn nhất

Tháng 7-2024, Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi ký ban hành quyết định phân bổ chỉ tiêu SDĐ đến năm 2030 đến từng đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó bao gồm: diện tích tự nhiên, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng.

Địa phương có chỉ tiêu SDĐ lớn nhất tỉnh là huyện Vĩnh Cửu với gần 109 ngàn hécta, tương đương khoảng 18,6% diện tích đất tự nhiên của tỉnh (hơn 586 ngàn hécta). Huyện Vĩnh Cửu có chỉ tiêu SDĐ lớn vì đây là địa phương có tổng diện tích đất nông nghiệp và đất rừng nhiều. Riêng đất rừng đã lên đến hơn 65 ngàn hécta.

Huyện Tân Phú có chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ lớn thứ 3 của tỉnh. Trong ảnh: Đạp xe nhân sự kiện môi trường tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

Đứng thứ 2 là huyện Định Quán với chỉ tiêu SDĐ được phân bổ hơn 97 ngàn hécta, chiếm hơn 16,5% diện tích đất toàn tỉnh. Tương tự như Vĩnh Cửu, huyện Định Quán có quỹ đất nông nghiệp chiếm hơn 75% diện tích tự nhiên, trong đó đất rừng các loại hơn 34 ngàn hécta, đất trồng cây lâu năm gần 30 ngàn hécta.

Xếp thứ 3 là huyện Tân Phú với gần 77,5 ngàn hécta đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp 70,4 ngàn hécta, chiếm hơn 90% tổng diện tích đất. Đáng chú ý trong cơ cấu SDĐ của huyện Tân Phú là có đất rừng đặc dụng gần 39 ngàn hécta tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Hiện tại, Vườn quốc gia Cát Tiên cùng với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai là “lá phổi xanh” của tỉnh cũng như vùng Đông Nam Bộ.

Bên cạnh các địa phương có chỉ tiêu SDĐ cao, quyết định cho thấy 3 địa phương có chỉ tiêu đất thấp. Thấp nhất là thành phố Long Khánh với tổng diện tích đất tự nhiên chưa đến 20 ngàn hécta, tiếp theo là huyện Thống Nhất gần 25 ngàn hécta và thành phố Biên Hòa hơn 26 ngàn hécta…

Chỉ tiêu SDĐ là cơ sở để UBND các huyện lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch SDĐ đến năm 2030 đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Riêng với 2 thành phố Long Khánh và Biên Hòa không phải lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch SDĐ cấp huyện, mà căn cứ vào quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu và chỉ tiêu SDĐ này để tổ chức lập kế hoạch SDĐ hàng năm theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.

Phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai

Đất đai là tài nguyên hữu hạn và là điều kiện không thể thiếu trong quá trình phát triển. Sử dụng tốt nguồn tài nguyên này không chỉ quyết định đến phát triển - xã hội tương lai, mà còn đảm bảo cho mục tiêu an ninh, quốc phòng. Xã hội càng phát triển thì giá trị của đất càng cao, yêu cầu về sử dụng hiệu quả quỹ đất càng lớn.

UBND tỉnh xác định các mục tiêu trong phân bổ và khoanh vùng đất đai là: SDĐ phải dựa trên quan điểm sinh thái và phát triển bền vững; phát triển đất đai thông qua các chiến lược về tổ chức không gian kinh tế, không gian đô thị theo phương án quy hoạch và chỉ tiêu phân bổ đất đai cho tỉnh của Chính phủ; khai thác, sử dụng có hiệu quả toàn bộ quỹ đất đai vào các mục đích cụ thể; bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa có hiệu quả cao, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất khu bảo tồn thiên nhiên; duy trì ổn định diện tích đất rừng và hạn chế tối đa việc chuyển mục đích  SDĐ rừng...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, quyết định phân bổ chỉ tiêu SDĐ này được thực hiện dựa trên Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch SDĐ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch SDĐ quốc gia 5 năm 2021-2025... Do đó, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trong việc thực hiện.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, Đồng Nai đang triển khai nhiệm vụ kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng  SDĐ ở 3 cấp: tỉnh, huyện, xã. Mục đích của việc làm này nhằm đánh giá thực trạng  SDĐ để làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, SDĐ của các cấp trong 5 năm qua và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất và nâng cao hiệu quả SDĐ trong thời gian tới.

Từ nay đến năm 2030, tổng chỉ tiêu SDĐ của tỉnh, cấp huyện là không thay đổi (trừ trường hợp tách, nhập đơn vị hành chính), nhưng cơ cấu sử dụng từng loại đất có thể thay đổi nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, đô thị, các hạ tầng khác; đồng thời, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Việc điều chỉnh chỉ tiêu SDĐ theo quy định cần đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả trên cơ sở cân bằng giữa nhu cầu  SDĐ, phù hợp với thực tiễn và đảm bảo vì mục tiêu phát triển chung của địa phương.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều