Báo Đồng Nai điện tử
En

Không nên chậm trễ trong sản xuất nông nghiệp xanh

Khánh Minh
21:30, 18/09/2024

Là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai vẫn còn gần 280 ngàn hécta đất sản xuất nông nghiệp; trong đó bao gồm diện tích trồng cây lâu năm và cây hàng năm. Vì thế, mỗi năm tỉnh cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 1 triệu tấn nông sản.

Sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai đa số tiêu thụ tại thị trường nội địa, số lượng xuất khẩu chưa lớn. Do đó, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp vẫn còn rất bấp bênh, có những mặt hàng vào vụ thu hoạch chính giá giảm xuống dưới giá thành sản xuất khiến nông dân thua lỗ. Câu chuyện trên lặp đi lặp lại nhiều lần với nhiều loại cây trồng như: xoài, thanh long, chuối, bưởi, chôm chôm, mì, rau...

Từ đầu năm đến nay, đã có hàng trăm doanh nghiệp nhập khẩu phân phối lớn, uy tín của Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Anh, Đức, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… đến Việt Nam tìm hàng hóa cung ứng cho chuỗi hệ thống của mình tại các quốc gia, vùng lãnh thổ. Đại diện một số tập đoàn bán lẻ như: Uniqlo, Aeon (Nhật Bản); Amazon, Walmart, Safeway (Hoa Kỳ); Central Group (Thái Lan); Decathlon (Pháp)... cho rằng, Đồng Nai có nhiều sản phẩm nông nghiệp có thể xuất khẩu với số lượng lớn nếu đảm bảo các quy trình kỹ thuật. Cụ thể, nông sản phải sản xuất theo quy trình xanh, ít phát thải và truy xuất được nguồn gốc. Bán được sản phẩm cho những tập đoàn bán lẻ trên, nông sản Đồng Nai sẽ rộng đường xuất khẩu qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Hiện nay, sản xuất xanh là yêu cầu của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu là giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực gây nhiều phát thải. Vì thế, Đồng Nai cũng như nhiều địa phương đã có kế hoạch giảm phát thải. Cụ thể, tỉnh khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia vào sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Điều này sẽ mang lại lợi ích kép là đảm bảo sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng.

Tới đây, Đồng Nai sẽ hình thành các cụm công nghiệp chế biến nông sản tại các huyện Cẩm Mỹ, Định Quán. Hiện đã có một số doanh nghiệp lớn trong chế biến nông sản dự tính đầu tư vào tỉnh để chế biến nông sản. Do đó, những nhà vườn đi đầu trong sản xuất xanh sẽ có nhiều cơ hội liên kết cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy. Tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất - chế biến, nông dân ít lo đến đầu ra cho sản phẩm và lợi nhuận cho cây trồng cũng sẽ được nâng lên.

Khánh Minh

 

Tin xem nhiều