Báo Đồng Nai điện tử
En

Không dễ gọi vốn cho dự án khởi nghiệp

Văn Gia
07:10, 05/09/2024

Thời gian qua, Đồng Nai đã có nhiều dự án khởi nghiệp đoạt giải thưởng ở các cuộc thi cấp tỉnh, trung ương. Các dự án khởi nghiệp đoạt giải đều có nhu cầu mời gọi vốn đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) để phát triển, nhưng việc gọi vốn không dễ.

Sản phẩm của Công ty TNHH Đầu tư công nghệ Rồng Việt (huyện Trảng Bom) tham gia một chương trình xúc tiến thương mại.
Sản phẩm của Công ty TNHH Đầu tư công nghệ Rồng Việt (huyện Trảng Bom) tham gia một chương trình xúc tiến thương mại. Ảnh: NVCC

Để một dự án có thể thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và được rót vốn, cần rất nhiều yếu tố. Sự kỳ vọng quá mức từ chủ dự án trong khi nhà đầu tư coi trọng hiệu quả thực tế và khả năng sinh lợi, nhất là trong bối cảnh dòng tiền khó khăn...  đang là hạn chế mà các nhà khởi nghiệp cần phải tính toán.

Tiềm năng gọi vốn

Tháng 8 vừa qua, các dự án đoạt giải trong Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai đã có dịp được gặp gỡ nhà đầu tư, DN trong và ngoài tỉnh tại hội nghị gọi vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp. Mỗi dự án có những thành công nhất định theo từng lĩnh vực khác nhau và đều mong muốn kêu gọi vốn để mở rộng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đơn cử như Dự án Chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ da cá sấu của chị Hoàng Thị Mỹ Nhung ở huyện Vĩnh Cửu khá thành công với các sản phẩm chế biến từ da cá sấu như: túi xách, giày dép, ví... Từ việc chăn nuôi và làm sản phẩm để bán, dự án này chuyển dần sang làm du lịch trải nghiệm với lợi thế vùng căn cứ Chiến khu Đ, mô hình Du lịch vườn, rừng, hồ Trị An.

Việc tham gia các cuộc thi khởi nghiệp được coi là “vốn mồi” để các dự án có cơ hội gọi vốn đầu tư. Bên cạnh đó, thông qua các cuộc thi, start-up còn có thêm nhiều ích lợi khác là nhận được sự cố vấn của các mentor về kỹ năng phát triển sản phẩm, tiếp cận thị trường, kinh nghiệm vận hành, bán hàng, quản lý nhân sự...

Ông Nguyễn Văn Hoàng, chủ cơ sở, cho hay mục tiêu hướng đến là đầu tư khu du lịch cắm trại ven hồ, tham quan khu nuôi cá sấu và chọn mua sản phẩm ngay tại nơi sản xuất. Do đó, mong muốn gọi vốn từ các nhà đầu tư với nguồn tài chính cần thiết để bổ sung vào dự án là 25 tỷ đồng.

Tương tự, Dự án Dược liệu xáo tam phân của Công ty CP Đầu tư dược liệu ETZ (huyện Trảng Bom) kêu gọi 2 tỷ đồng để nghiên cứu, chế biến các loại sản phẩm mới cung ứng ra thị trường.

Ông Nguyễn Văn Khôn, Giám đốc công ty, cho biết từ quy mô nhỏ lẻ, hiện DN đã mở rộng diện tích trồng xáo tam phân lên hàng chục hécta. Mục tiêu của công ty là xây dựng dự án phát triển hàng ngàn hécta trong giai đoạn tới, sản xuất ra các sản phẩm cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, DN sẽ ứng dụng các giải pháp công nghệ để mở rộng thị trường.

Hay như Dự án Phát triển chuỗi phòng nuôi đông trùng hạ thảo - nông nghiệp công nghệ cao của tác giả Trần Thị Thắm đến từ Công ty TNHH Đầu tư công nghệ Rồng Việt (huyện Trảng Bom) kêu gọi vốn 500 triệu đồng để mua máy sấy thăng hoa cho việc sấy khô nguyên liệu. Dự án này hướng đến xây dựng các phòng nuôi, hợp tác với người dân ở nhiều khu vực thay vì tập trung sản xuất tại một cơ sở lớn. Điều đó tạo việc làm cho người lao động, chủ cơ sở và tạo nhận diện thương hiệu cho sản phẩm ở một khu vực địa lý rộng hơn.

Nhưng... không dễ

Có nhiều dự án với những tiềm năng khác nhau mời gọi nhà đầu tư rót vốn, song các chủ DN đều tính toán kỹ hiệu quả mang lại rồi mới quyết định. Trong số 6 dự án kêu gọi vốn cho khởi nghiệp trong năm nay, chị Trần Thị Thắm may mắn hơn cả khi nhận được cam kết đầu tư 1 tỷ đồng từ ông Nguyễn Duy Khương, Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp doanh nhân trẻ Đồng Nai và ông Phạm Trọng Nghĩa, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Tây Ninh. Bên cạnh đó, Dự án Nhang sạch thảo mộc Vân Hương của chị Lê Thị Cẩm Vân được cam kết là sẽ đồng hành để đầu tư phát triển hệ thống máy móc.

Sản phẩm nhang sạch thảo mộc
Vân Hương tham gia một chương trình
xúc tiến thương mại. Ảnh: NVCC
Sản phẩm nhang sạch thảo mộc Vân Hương tham gia một chương trình xúc tiến thương mại. Ảnh: NVCC

Theo ông Nguyễn Duy Khương, trong thời buổi nguồn tài chính, thị trường khó khăn như hiện nay, các nhà đầu tư có xu hướng cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn dự án, ra quyết định rót vốn. Do đó, cơ hội chỉ dành cho những start-up có năng lực, có dự án khả thi và phương án sử dụng tiền tối ưu.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Tây Ninh Phạm Trọng Nghĩa cho hay, qua tham dự chương trình gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp của Đồng Nai, ông nhận thấy từ các dự án này sự chuẩn bị về hồ sơ, thuyết trình vẫn chưa rõ ràng. Điều mà nhà đầu tư quan tâm là hiệu quả thực tế và triển vọng trong đầu tư ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Bên cạnh đó, việc định giá giá trị dự án cũng là khâu yếu của những đơn vị khởi nghiệp nên rất khó có căn cứ để nhà đầu tư mạnh tay rót vốn.

Cùng quan điểm trên, Chánh  Văn phòng Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Cao Thị Thảo My cho rằng, nhiều start-up chưa có nhiều kinh nghiệm thương trường, chưa đủ kiến thức bao quát, tầm nhìn xa, sự hiểu biết về pháp luật. Vì vậy, trong quá trình gọi vốn chưa giải thích rõ ràng điều hay của công ty để mời gọi các DN khác góp vốn. Do đó, mấu chốt trong gọi vốn là các chủ dự án khởi nghiệp phải có đề án thuyết phục được nhà đầu tư để họ song hành cùng quá trình phát triển của dự án.

Văn Gia

Tin xem nhiều