Báo Đồng Nai điện tử
En

Khoa học - công nghệ: Nền tảng cho mục tiêu net zero
Bài cuối: Khoa học - công nghệ biến chất thải thành tài nguyên

Ban Mai
08:24, 27/09/2024

Lĩnh vực có sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ áp dụng khoa học - công nghệ (KHCN) ở tỉnh là xử lý chất thải. Chất thải công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt đều được ứng dụng công nghệ trong các khâu giám sát, quản lý, xử lý và phòng ngừa sự cố môi trường.

Dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng đầu tiên tại Việt Nam trên địa bàn huyện Nhơn Trạch sắp đi vào hoạt động. Ảnh: H.Lộc
Dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng đầu tiên tại Việt Nam trên địa bàn huyện Nhơn Trạch sắp đi vào hoạt động. Ảnh: H.Lộc

Đây cũng là lĩnh vực được tỉnh ưu tiên thực hiện trong Đề án Giảm thiểu khí carbon với mục tiêu giảm 60% phát thải vào năm 2030 và về 0% năm 2050.

Gia tăng tái chế và tái sử dụng chất thải

Đồng Nai là địa phương có tỷ lệ phát sinh chất thải tốp đầu của cả nước. Theo Sở Tài nguyên và môi trường, năm 2023, rác sinh hoạt phát sinh khoảng 2 ngàn tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp gần 2,4 ngàn tấn/ngày, chất thải y tế nguy hại khoảng 500kg/ngày, nước thải công nghiệp khoảng 133 ngàn m3/ngày… Vậy nhưng, Đồng Nai đang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ nước thải công nghiệp được thu gom, xử lý tập trung; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, đặc biệt là giảm chôn lấp rác; 100% rác công nghiệp được thu gom, xử lý theo quy trình… Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của KHCN.

Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Nguyễn Trí Phương chia sẻ, để phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiến sâu vào thị trường toàn cầu, tỉnh đặc biệt quan tâm đến xử lý chất thải. Theo đó, tỉnh cho rà soát các khu công nghiệp đã thu hút đầu tư từ nhiều năm trước để có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc, thiết bị và áp dụng các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính. Việc này giúp gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện điều kiện làm việc tại DN, góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

Về nước thải công nghiệp, 31/31 khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng vốn đầu tư hơn 2,3 ngàn tỷ đồng nhằm đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho tất cả các DN. Trong đó, 27 khu công nghiệp đã lắp hệ thống quan trắc nước thải tự động, truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và môi trường để giám sát. 100% DN đăng ký bàn giao chất thải về cho đơn vị xử có chức năng xử lý hoặc đăng ký tái chế, tái sử dụng.

Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 (ở huyện Vĩnh Cửu) là đơn vị chuyên xử lý chất thải công nghiệp. Gần như 100% chất thải về nhà máy đều trở thành sản phẩm hoặc nguyên liệu cho các ngành sản xuất.

Ông Bùi Xuân Hùng, Tổng giám đốc công ty, cho biết đơn vị đã đầu tư các dây chuyền, công nghệ hiện đại như: hệ thống phân loại đóng kiện phế liệu, tái chế nhựa, xử lý ắc quy cũ, tái chế chì... nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu, hợp tác phát triển KHCN ứng dụng trong xử lý chất thải.

Về chất thải sinh hoạt, nhiều năm nay, tỉnh không còn tồn tại công nghệ chôn lấp rác. 100% rác thải được thu gom về các nhà máy, xử lý bằng công nghệ tái chế làm phân hữu cơ (compost) và công nghệ đốt tiêu hủy để đảm bảo tỷ lệ chôn lấp dưới 15%, thấp nhất cả nước. Trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đặt mục tiêu chuyển đổi sang công nghệ đốt thu hồi năng lượng ở cả 4 khu xử lý rác sinh hoạt nhằm giảm phát thải ra môi trường, bổ sung năng lượng tái tạo cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu từng sở, ngành phải xây dựng kế hoạch, tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp, chính sách thực hiện giảm phát thải. UBND tỉnh tìm kiếm nguồn tín dụng để nghiên cứu, đầu tư KHCN cho DN, địa phương, sở, ngành. Có chính sách hỗ trợ tín dụng, thủ tục, công nghệ thỏa đáng cho DN tiên phong thực hiện giảm phát thải.

Hoàn thiện chính sách để phát triển khoa học - công nghệ

Tại Hội thảo khoa học Ứng dụng các giải pháp KHCN để triển khai thực hiện Đề án Net zero do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Đồng Nai tổ chức vào tháng 7-2024, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, GS-TS Nguyễn Văn Phước cho rằng, net zero và KHCN là mối quan hệ tương hỗ. Theo đó, muốn thực hiện net zero cần có KHCN và đổi mới sáng tạo. Còn chiều ngược lại, net zero thúc đẩy nghiên cứu, phát triển các dự án, công trình KHCN.

Cũng theo GS-TS Nguyễn Văn Phước, trên thế giới hiện đã có các giải pháp KHCN để sản xuất khí metan từ nước thải nhờ quá trình lên men kỵ khí, sản xuất hydro sinh học từ nước thải, sản xuất nhựa sinh học từ nước thải, thu hồi một số kim loại trong nước thải. Bên cạnh đó là xử lý nước thải để tái sử dụng cho tưới cây, sản xuất công nghiệp, phòng cháy, chữa cháy… Các giải pháp này vừa giúp cải thiện và phục hồi tài nguyên nước, vừa tạo ra nguồn tài nguyên tái tạo không cạn kiệt. Việc này có ý nghĩa lớn trong giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, song đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường tại tỉnh nói riêng và cả nước nói chung còn những vướng mắc nhất định. Về phát triển khu công nghiệp sinh thái, nhà máy xanh, sản phẩm xanh đang gặp các rào cản pháp lý như: quy định hỗ trợ phát triển cộng sinh công nghiệp, quy chuẩn tái sử dụng nước thải cho mục đích tưới cây và sản xuất chưa có, chính sách phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà từ năm 2020 đến nay vẫn trống. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ về tài chính cho DN, người dân tiên phong áp dụng KHCN vào sản xuất, tái chế và tái sử dụng chất thải, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa nhiều.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ, hiện nhiều DN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu chứng chỉ xanh để xuất khẩu hàng hóa. Chứng chỉ này có thể đạt được thông qua giảm sử dụng nguyên vật liệu đầu vào, hạn chế phát sinh chất thải, tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và vật liệu mới… Tuy nhiên, các DN này gặp không ít khó khăn về thủ tục pháp lý, chính sách ưu đãi.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tại Hội nghị triển khai Đề án Giảm thiểu khí thải carbon 6 tháng năm 2024, nêu lên các nhiệm vụ là cần tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng và DN về net zero. Hợp tác với các cơ quan, tổ chức để tập huấn chuyên sâu cho cán bộ quản lý, thậm chí các khu công nghiệp, DN sản xuất lớn. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh hoàn thiện chính sách để có cơ sở và nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Đề án Giảm thiểu khí thải carbon.

Ban Mai

Tin xem nhiều