Báo Đồng Nai điện tử
En

Khoa học - công nghệ: Nền tảng cho mục tiêu net zero
Bài 3: Nông nghiệp hiện đại không thể thiếu khoa học - công nghệ

Hoàng Lộc
07:10, 26/09/2024

Là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai cũng là “thủ phủ” chăn nuôi; nơi có vùng chuyên canh cây cao su, cây chuối lớn của cả nước. Do đó, nông nghiệp là một trong 7 ngành nghề tỉnh ưu tiên thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa trái) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao đổi với người chăn nuôi tại huyện Nhơn Trạch.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa trái) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao đổi với người chăn nuôi tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh: H.LỘC

Việc ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) vào sản xuất, chế biến không chỉ tạo ra năng suất, sản lượng cao, mà còn tạo ra giá trị gia tăng để bảo đảm “trụ đỡ” của nền kinh tế phát triển bền vững.

Chăn nuôi tuần hoàn, giảm phát thải

Trang trại của bà Luyện Tố Trân tại xã Hàng Gòn (thành phố Long Khánh) đang nuôi heo thịt gia công cho một tập đoàn nước ngoài. Vì thế, việc ứng dụng KHCN để đảm bảo vệ sinh môi trường và tạo ra sản phẩm chất lượng được chủ cơ sở đặc biệt quan tâm.

Theo bà Trân, 100% nước thải chăn nuôi được xử lý để tái sử dụng tại chỗ là tưới cho vườn sầu riêng ngay tại trang trại. Phân heo, bùn thải cũng được xử lý làm phân bón cho cây trồng. Chủ trại heo còn tận dụng mái trại lắp hệ thống điện mặt trời để có năng lượng phục vụ cho chăn nuôi.

Hiện toàn tỉnh có hơn 28 hécta đất sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ; gần 2,3 ngàn hécta đất trồng cây, hơn 400 hécta diện tích thủy sản và hơn 130 cơ sở chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAP; hơn 7,7 ngàn diện tích rừng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).      

Trang trại chăn nuôi trâu, bò thịt công nghệ cao Đồng Phát (ở xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) là mô hình chăn nuôi gia súc hữu cơ tiêu biểu. Phó giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Đồng Phát Nguyễn Văn Ngôn chia sẻ, từ khi đi vào hoạt động (năm 2018) đến nay, cơ sở không sử dụng thuốc kháng sinh cho vật nuôi. Mỗi vật nuôi được gắn chíp và quản lý bằng phần mềm máy tính để theo dõi tình trạng sức khỏe, trọng lượng. Thức ăn là cây bắp sinh khối được trồng tại địa phương. Phân trâu, bò được thu gom, ủ hoai, sấy khô bán lại cho các đơn vị sản xuất phân hữu cơ và nông dân trồng bắp.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát Lê Văn Quyết cho hay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao không thể thiếu KHCN. Để con gà của hợp tác xã xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản thì chất lượng sản phẩm phải đạt mức cao.

Theo đó, chuồng nuôi của tất cả thành viên trong hợp tác xã là chuồng lạnh khép kín, sử dụng hệ thống làm mát tự động. Các thông số ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió trong chuồng được thiết lập tự động và kết nối với điện thoại di động. Cám được đưa từ nhà máy bằng xe bồn, sau đó bơm vào bồn dự trữ rồi dẫn đến chuồng qua hệ thống máng tự động. Nước và thuốc phòng bệnh cũng qua hệ thống tự động đưa đến từng máng ăn. Hợp tác xã lập nhóm Zalo cập nhật lịch trình cho ăn, uống ở từng trại. Khi trại nào có tỷ lệ hao hụt cao thì công nhân, nhân viên thú y sẽ kiểm tra và tìm cách khắc phục.

Có thể thấy, nhờ chuyển đổi mô hình, ứng dụng KHCN vào tất cả các khâu mà chăn nuôi Đồng Nai đến nay vẫn giữ vị trí số 1 về tổng đàn và giá trị. Hàng loạt “ông lớn” trong ngành như: C.P, Cargill, Sunjin Vina, Japfa, Hòa Phát, De Heus… chọn Đồng Nai đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, phát triển trang trại, cơ sở chế biến.

Phát triển ngành trồng trọt theo hướng bền vững

Thông tin từ Bộ KHCN, hiện KHCN đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp và khoảng 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Điều này được minh chứng thông qua ứng dụng giống mới cho năng suất, chất lượng cao hơn; chuyển đổi mô hình sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; ứng dụng KHCN vào sản xuất và chế biến sâu.

Đối với ngành trồng trọt, việc ứng dụng công nghệ tưới tự động (phun sương, nhỏ giọt) giúp giảm hơn 90% công lao động và giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới; ứng dụng phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái có thể giảm 20-30% lượng thuốc cần sử dụng.

Các xã: Thanh Bình, Cây Gáo, Sông Thao, Sông Trầu, Bàu Hàm của huyện Trảng Bom đất đai khô cằn, xen lẫn đá mồ côi. Những năm trước đây, nông dân chủ yếu trồng cây thuốc lá hoặc vườn tạp năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Nhờ mạnh dạn chuyển sang cây chuối cấy mô, kết hợp với ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm tự động diện rộng, vùng đất này đã “thay da đổi thịt”. Nơi đây hiện là cánh đồng chuối lớn nhất tỉnh với diện tích hơn 6 ngàn hécta.

Các khâu làm đất, trồng, thu hoạch chuối đều được ứng dụng KHCN. Điển hình là sử dụng hệ thống ròng rọc đưa chuối từ nơi thu hoạch đến bồn rửa giúp giảm đến 80% nhân công, trầy xước trái ảnh hưởng đến chất lượng. Ứng dụng công nghệ để phát triển mã số vùng trồng và các chứng nhận nên phần lớn chuối ở đây xuất khẩu đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh chia sẻ, ngành nông nghiệp tỉnh đã bước vào đường đua 4.0. Phần lớn nông dân chủ động ứng dụng KHCN vào sản xuất; các phần mềm quản lý cây trồng, vật nuôi và áp dụng công nghệ xử lý chất thải. Qua đó, góp phần giảm công lao động, giảm sự phụ thuộc vào thời tiết, giảm ô nhiễm môi trường và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp để hướng đến cân bằng lượng khí nhà kính giữa hấp thụ và phát thải. Hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

Đến nay, tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ chiếm khoảng 45% trong các loại phân bón sử dụng cho cây trồng. Ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng đạt gần 60 ngàn hécta, chiếm 31% diện tích cây trồng chủ lực có nhu cầu tưới.

Không chỉ trong sản xuất mà KHCN còn được đẩy mạnh ứng dụng trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như tiêu thụ sản phẩm, trong năm 2024, ngành đặt chỉ tiêu 50% chủ thể sản xuất kinh, doanh sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh có website quảng bá sản phẩm, sở cũng hỗ trợ các chủ thể này tham gia giao dịch trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai có kết nối với sàn giao dịch thương mại các tỉnh, thành phố khác.

Hoàng Lộc

Bài cuối: Khoa học - công nghệ biến chất thải thành tài nguyên

Tin xem nhiều