Báo Đồng Nai điện tử
En

Khoa học công nghệ: Nền tảng cho mục tiêu net zero (bài 1)

Hoàng Lộc
07:40, 24/09/2024

Năm 2024, Đồng Nai là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành và thực hiện Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đề án Giảm thiểu khí carbon). Mục tiêu tỉnh đặt ra ở đề án là giảm dần phát thải khí nhà kính bằng 0 (net zero) vào năm 2050. Đề án xác định, khoa học công nghệ (KHCN) là động lực, là “chìa khóa” để đạt net zero.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi cùng các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội nghị chuyên đề Xu hướng net zero của thế giới và định hướng phát triển xanh, bền vững tỉnh Đồng Nai diễn ra tháng 3-2024. Ảnh: H.Lộc
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi cùng các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội nghị chuyên đề Xu hướng net zero của thế giới và định hướng phát triển xanh, bền vững tỉnh Đồng Nai diễn ra tháng 3-2024. Ảnh: H.Lộc

Bài 1: Địa phương đầu tiên có Đề án Giảm thiểu khí carbon

Đề án Giảm thiểu khí carbon là quyết tâm chính trị của tỉnh trong thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) và COP28.

Đây cũng là cơ sở pháp lý để các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp cùng hành động vì mục tiêu giảm phát thải và phát triển bền vững.

Đề án mở đường cho hành động

Đồng Nai là “cái nôi” của ngành công nghiệp cả nước. Sự phát triển công nghiệp sớm và nhanh đã tạo lợi thế cho tỉnh trong thúc đẩy hình thành các khu công nghiệp, đô thị, vùng sản xuất nông nghiệp và thu hút đông người dân về sinh sống. Tuy nhiên, cũng vì điều này tỉnh đối mặt với không ít thách thức về xã hội, môi trường và sự phát triển bền vững.

Dễ thấy nhất là sự ra đời của các nhà máy, xí nghiệp khiến gia tăng lượng chất thải rắn, nước thải, khí thải gây áp lực cho công tác bảo vệ môi trường sống và môi trường sinh thái. Các hạ tầng nhà ở, trường học, cơ sở y tế, khu vui chơi giải trí quanh khu công nghiệp trở thành vấn đề nan giải trong nâng cao chất lượng đời sống người dân. Hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông, trở nên quá tải, tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Để từng bước hóa giải thách thức, đồng thời tạo động lực phát triển mới cho tỉnh, góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ với thế giới, cuối tháng 2-2024, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Giảm thiểu khí carbon. Đề án đề ra lộ trình với mục tiêu giai đoạn 2025-2030 giảm phát thải khí nhà kính 20% so với hiện tại, giai đoạn 2030-2035 giảm phát thải đạt mức 45%, giai đoạn 2035-2045 trung hòa carbon và đến năm 2050 đạt phát thải khí nhà kính bằng 0.

Ngày 19-2-2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Giảm thiểu khí carbon - là địa phương đầu tiên cả nước ban hành đề án này theo cam kết của Chính phủ tại COP26 và COP28.

Trên cơ sở hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và định hướng trong tương lai, tỉnh đã lựa chọn 7 ngành nghề, khu vực ưu tiên thực hiện giảm phát thải là: năng lượng, giao thông, công nghiệp, môi trường, nông nghiệp - lâm nghiệp và sử dụng đất, xây dựng và vật liệu, khu đô thị.

Ở đề án này xác định 3 hợp phần cần phải thực hiện, trong đó hợp phần 1 là nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát thải khí nhà kính; hợp phần 2 xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm thiểu khí carbon của tỉnh và hợp phần 3 huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện đề án.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho hay, Đồng Nai là địa phương đầu tiên cả nước xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Đề án Giảm thiểu khí carbon. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo tăng trưởng xanh.

Giảm phát thải đô thị là một trong 7 lĩnh vực Đồng Nai ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2021-2030.
Trong ảnh: Một góc đô thị Biên Hòa.
Giảm phát thải đô thị là một trong 7 lĩnh vực Đồng Nai ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2021-2030. Trong ảnh: Một góc đô thị Biên Hòa.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy, net zero là con đường phát triển tất yếu và thực tế Đồng Nai đã đề cập đến mục tiêu phát triển bền vững ở nghị quyết Đảng bộ tỉnh 2 nhiệm kỳ gần đây; Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiều kế hoạch, nghị quyết, chỉ thị khác. Đề án lần này cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp để người dân, doanh nghiệp hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của tỉnh, góp phần đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Cần “chìa khóa” khoa học công nghệ

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đòi hỏi của thị trường và người tiêu dùng ngày càng cao thì net zero là mục tiêu mà nhiều ngành nghề, lĩnh vực, quốc gia đang theo đuổi. Để đạt mục tiêu này cần có các yếu tố như: cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, tài chính, KHCN… trong đó, KHCN đóng vai trò là “chìa khóa”.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, KHCN ngày càng có vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển và tăng trưởng kinh tế, cung cấp luận cứ cho hoạch định cơ chế chính sách. Trong cuộc đua net zero, KHCN là động lực, là “chìa khóa” giúp đạt mục tiêu sớm hơn. Vì thế, tỉnh rất cần các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp hiến kế giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế tỉnh, bao gồm việc tạo ra hệ thống sản xuất carbon thấp, ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 vào các ngành nghề, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và chuyển giao công nghệ mới đảm bảo hiệu quả, an toàn, phù hợp mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, tỉnh đang triển khai Đề án Giảm thiểu khí carbon. Tại hợp phần 3 của đề án, tỉnh giao Sở KHCN chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức đánh giá nhu cầu công nghệ sạch, phát thải carbon thấp để sớm đạt net zero. Đồng thời, tổ chức triển khai các nhiệm vụ KHCN, đổi mới sáng tạo phát triển carbon thấp trong các ngành, lĩnh vực.

Giám đốc Sở KHCN Lại Thế Thông cho biết, sở đang xây dựng nội dung thực hiện và lồng ghép vào cuộc điều tra đánh giá trình độ và năng lực công nghệ của các doanh nghiệp để nắm nhu cầu, qua đó có cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm kê khí thải nhà kính ở hợp phần 1. Thời gian qua, sở tham mưu cho tỉnh đánh giá, thông qua 2 đề tài khoa học liên quan đến giảm phát thải là: Xây dựng mô hình tăng trưởng xanh cho tỉnh Đồng Nai; Nghiên cứu phương pháp định lượng và ước tính phát thải khí nhà kính cho các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai. Kết quả nghiên cứu của các đề tài này là cơ sở khoa học để đánh giá tiềm năng cơ chế phát triển sạch; hỗ trợ công tác định hướng, xây dựng chương trình, kế hoạch liên quan đến giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững của tỉnh.

Ngoài đề án trên, Đồng Nai đang triển khai nhiều chính sách của Trung ương nhằm hướng đến phát triển xanh và bền vững. Việc nghiên cứu để làm chủ công nghệ và ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu dùng, xử lý chất thải nhằm sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường, tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu.

Hoàng Lộc

Bài 2: “Cú hích” cho sản xuất xanh

 

Tin xem nhiều