Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa du lịch Đồng Nai phát triển xứng tầm

Ngọc Liên
08:14, 27/09/2024

Trong phương án phát triển các khu, điểm du lịch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch tỉnh, Đồng Nai có 8 khu du lịch cấp tỉnh và quốc gia.

Hồ Trị An được quy hoạch khu du lịch quốc gia. Ảnh: N.LIÊN
Hồ Trị An được quy hoạch khu du lịch quốc gia. Ảnh: N.LIÊN

Đây là cơ sở để tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, khai thác hết những Hình thành những khu đô thị, du lịch sinh thái đẳng cấptiềm năng về rừng, hồ, sông, núi…

Theo định hướng chung của tỉnh, đến năm 2050, Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại. Đồng thời, trở thành trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế. Đồng Nai sẽ là nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Trong đó, du lịch là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong phát triển của tỉnh với các dự án đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp. Cụ thể như khu du lịch quốc gia hồ Trị An tại các huyện: Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Trảng Bom, Định Quán. Đây là khu du lịch duy nhất ở Đồng Nai được quy hoạch khu du lịch quốc gia Việt Nam. Có 7 điểm được quy hoạch khu du lịch cấp tỉnh gồm: khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí tại khu vực rừng phòng hộ Tân Phú ở huyện Định Quán; các đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực núi Chứa Chan và hồ Núi Le của huyện Xuân Lộc; khu nuôi động vật bán hoang dã phục vụ phát triển du lịch (safari) huyện Vĩnh Cửu; khu phức hợp và nghỉ dưỡng cao cấp khu vực hồ Bà Hào của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai; Khu du lịch Sơn Tiên tại thành phố Biên Hòa; khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp ở hồ Cầu Mới, tuyến 5, 6 xã Thừa Đức trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ; các khu, điểm chức năng du lịch xác định theo quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt cùng hệ thống khách sạn chuẩn 5 sao trở lên được quy hoạch trải đều các huyện, thành phố trong tỉnh.

Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Lê Kim Bằng cho biết, trong 7 khu du lịch cấp tỉnh được quy hoạch, Xuân Lộc là một trong những địa phương nằm trong danh sách quy hoạch hướng phát triển khu đô thị, du lịch núi Chứa Chan, hồ Núi Le trở thành khu phức hợp đô thị sinh thái, du lịch đẳng cấp quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển du lịch cho địa phương và mời gọi nhà đầu tư tham gia các dự án lớn. Để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, huyện sẽ đề xuất điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với các loại quy hoạch từ tỉnh đến Trung ương.

Theo ông Lê Kim Bằng, nếu các dự án du lịch được triển khai theo quy hoạch, Xuân Lộc không chỉ phát triển về du lịch, mà các dự án khu đô thị, bất động sản… sẽ có điều kiện phát triển. Ngoài ra, với quy mô dự kiến cho khu đô thị, du lịch núi Chứa Chan và hồ Núi Le, dự kiến sẽ có khoảng 1,3 ngàn hécta đất được quy hoạch, phục vụ phát triển du lịch kết hợp khu đô thị, nghỉ dưỡng cho du khách. Đây cũng sẽ là cơ hội để địa phương phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ, giải quyết được việc làm tại chỗ cho khá nhiều người dân địa phương. Từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nhận định về vị thế Cảng hàng không quốc tế Long Thành đối với phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ trong tương lai, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu cho rằng, thời gian tới, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, các tuyến đường vành đai, đường cao tốc được kết nối, cùng với những sản phẩm du lịch mới của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ sẽ tạo ra những cơ hội mới cho các tỉnh Đông Nam Bộ.

Phát triển hạ tầng kết nối du lịch

Để các sản phẩm du lịch phát huy hết tiềm năng cũng như tạo được sự liên kết trong phát triển các chuỗi sản phẩm cấp tỉnh, cấp vùng, Đồng Nai sớm xác định mục tiêu phải tạo đột phá liên quan đến việc đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng du lịch. Tập trung phát triển các dự án giao thông cấp tỉnh, cấp vùng, trong đó chú trọng kết nối với các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Theo Quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, Đồng Nai sẽ ưu tiên 2 khu vực làm động lực phát triển mới cho tỉnh gồm khu vực đô thị Cảng hàng không quốc tế Long Thành và khu vực hành lang sông Đồng Nai. Trong đó, khu vực hành lang sông Đồng Nai lấy sông Đồng Nai làm trục phát triển kinh tế năng động của tỉnh, xây dựng tuyến đường ven sông, đầu tư cầu qua sông, nhằm liên kết mạnh mẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, đẩy mạnh các mô hình kinh tế trên lĩnh vực dịch vụ, đô thị, du lịch sinh thái. Điểm nhấn phát triển du lịch đường sông của Đồng Nai sẽ tập trung vào khu vực ven sông thuộc các huyện Định Quán và Tân Phú. Phát triển khu du lịch hồ Trị An và các cụm dịch vụ du lịch theo mô hình du lịch sinh thái, du lịch rừng gắn với bảo vệ cảnh quan, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo tồn tài nguyên nước. Khu vực ven sông thuộc huyện Nhơn Trạch tập trung phát triển các khu đô thị mới, du lịch, thương mại, dịch vụ, cảng biển…

Đồ họa những điểm du lịch quốc gia và của tỉnh Đồng Nai theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồ họa những điểm du lịch quốc gia và của tỉnh Đồng Nai theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Dương Văn Đông cho biết, thời gian qua, một số tuyến đường cao tốc, vành đai đã được khởi công hoặc đưa vào khai thác như: đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh… cùng các dự án giao thông cấp tỉnh và trung ương khác đang được tỉnh đốc thúc thực hiện. Đặc biêt, sở luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với với các sở, ban, ngành thực hiện chỉ đạo của Trung ương và tỉnh đẩy nhanh tiến độ dự thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh góp phần hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng.

Chia sẻ về những chuẩn bị cho sự đột phá của lĩnh vực du lịch trong thời gian tới, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho biết, theo Quy hoạch tỉnh, Đồng Nai sẽ xây dựng phương án phát triển kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch theo các hướng: hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh; nâng cấp các thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn. Đầu tư các công trình văn hóa thể thao quy mô lớn, hiện đại như: khu phức hợp thể thao, sân vận động, nhà thi đấu… đủ điều kiện tổ chức các giải thể thao, chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia và quốc tế, gắn với hoạt động du lịch và hỗ trợ du lịch.

Để thúc đẩy các dự án du lịch, cũng như chuẩn bị cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch sẽ phối hợp với các sở, ngành trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực ngành du lịch, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng tại các khu, điểm du lịch. Đồng thời, tìm kiếm, mời gọi đầu tư vào các khu, điểm du lịch trọng điểm như: khu du lịch quốc gia hồ Trị An; khu du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực núi Chứa Chan và hồ Núi Le; khu du lịch sinh thái tại khu vực rừng phòng hộ Tân Phú và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai; các cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng cao cấp phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới…

Ngọc Liên

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích