Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai cần thêm các chuỗi sản phẩm du lịch

Ngọc Liên
08:07, 24/09/2024

Đồng Nai có nhiều điểm đến nổi tiếng như Vườn quốc gia Cát Tiên, rừng và hồ Trị An tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu Bảo tồn), các khu du lịch: Suối Mơ, Bửu Long, Vườn Xoài, Bò Cạp Vàng… Tuy nhiên, hiện tỉnh vẫn còn thiếu các chuỗi giá trị sản phẩm du lịch để khai thác và phát triển.

Cánh đồng Tà Lài nổi tiếng trên mạng xã hội có nhiều tiềm năng khai thác, xây dựng thành chuỗi sản phẩm du lịch cho huyện Tân Phú. Ảnh: N.Liên
Cánh đồng Tà Lài nổi tiếng trên mạng xã hội có nhiều tiềm năng khai thác, xây dựng thành chuỗi sản phẩm du lịch cho huyện Tân Phú. Ảnh: N.Liên

Theo các chuyên gia du lịch, việc hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm du lịch làm đa dạng thị trường du lịch để phục vụ du khách và nâng cao giá trị các sản phẩm du lịch ở Đồng Nai. Các chuỗi sản phẩm du lịch sẽ khai thác và phát huy những bản sắc văn hóa, lịch sử, con người địa phương…, góp phần nâng vị thế cho ngành du lịch Đồng Nai.

Nhiều tiềm lực để khai thác

Thời gian gần đây, ngành du lịch Đồng Nai đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác những tiềm năng, giá trị về du lịch tại các địa phương trong tỉnh. Qua các đợt khảo sát, các chuyên gia du lịch đánh giá cao những giá trị về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử… có thể khai thác, phát triển du lịch cho Đồng Nai.

Theo các chuyên gia du lịch, Đồng Nai có nhiều lợi thế khai thác các chuỗi giá trị sản phẩm du lịch ấn tượng, khám phá các giá trị lịch sử, văn hóa, hay trải nghiệm những vùng nông thôn với điểm nhấn là các mô hình canh nông tiêu biểu, cuộc sống, sinh hoạt của người dân các vùng nông thôn ở Đồng Nai… Trên cơ sở đó tạo ra những giá trị du lịch mới, tăng sự đa dạng cho du lịch từng địa phương hoặc liên kết giữa các địa phương.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, sở đang phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng một số sản phẩm đặc trưng cho Đồng Nai. Ngoài ra, tỉnh đang có các dự án lớn được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Sở cũng có các kế hoạch tuyên truyền, quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực du lịch, hướng đến mục tiêu du lịch Đồng Nai cất cánh cùng hàng không trong thời gian tới.

Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, Viện đã từng hỗ trợ huyện Tân Phú khảo sát và tư vấn hình thành những chuỗi sản phẩm du lịch cho địa phương. Qua khảo sát, Tân Phú có nhiều tiềm năng về du lịch nhưng vẫn chưa thu hút được lượng khách du lịch xứng tầm. Trong khi đó, huyện sở hữu những giá trị tài nguyên du lịch rất quý giá và điểm nhấn là hệ sinh thái rừng với sự đa dạng sinh học độc đáo. Với những giá trị về lịch sử, bản sắc văn hóa của dân tộc Mạ, S’tiêng, Chơro…, huyện Tân Phú có thể phát triển du lịch theo tuyến du lịch chuyên đề về văn hóa, lịch sử.

Không chỉ có Tân Phú, các địa phương: Vĩnh Cửu, Định Quán, Xuân Lộc, Long Khánh, Biên Hòa… cũng có tiềm năng lớn để khai thác các tuyến du lịch đặc sắc với những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, con người rất thú vị.

Chị Trần Nguyễn Như Oanh, sinh viên Trường đại học Văn Hiến (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trong một lần đi thực tế, tìm hiểu các điểm đến văn hóa, lịch sử tại thành phố Biên Hòa, chị rất ấn tượng với một số di tích lịch sử như: Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Văn miếu Trấn Biên, Thành cổ Biên Hòa…

Chị Oanh cho rằng, Đồng Nai cần xây dựng tour du lịch khám phá các di tích lịch sử, văn hóa và xâu chuỗi những câu chuyện kể về từng điểm đến, đồng thời có đơn vị hướng dẫn, giới thiệu du khách tại các điểm đến. Đồng Nai có nhiều câu chuyện đặc sắc như: chuyện mở cõi phương Nam của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, chuyện vượt ngục tại nhà lao Tân Hiệp, chuyện về các bậc danh nhân tại Văn miếu Trấn Biên…

Tăng kết nối, xây dựng sản phẩm du lịch địa phương

Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ - du lịch Meerkat Travel (huyện Định Quán) Nguyễn Nho Kiên chia sẻ, sản phẩm du lịch, nhất là các tour trên địa bàn tỉnh, hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa có sự liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch để cùng khai thác, đưa khách du lịch về với địa phương. Bên cạnh đó, đối với quảng bá du lịch địa phương, các cơ quan chức năng thời gian qua đã có nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến, nhưng mới chỉ nói nhiều về tiềm năng và mời gọi đầu tư các dự án, việc quảng bá trên các kênh facebook, tiktok… vẫn còn khá ít, khiến cho ngành du lịch chưa tạo được sự đột phá.

Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đồng Nai Trần Đăng Ninh, để ngành du lịch phát huy hết những tiềm năng, lợi thế của mình, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cần chủ động xây dựng sản phẩm chất lượng, đồng thời tận dụng các kênh quảng bá trên mạng xã hội, website của doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm du lịch. Song song đó, các doanh nghiệp chủ động mời gọi đối tác cùng liên kết khai thác sản phẩm trên cơ sở bảo đảm lợi ích hài hòa cho các bên.

Ngoài ra, ông Ninh cũng mong các cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm, xây dựng những sản phẩm du lịch, tạo ra những chuỗi giá trị du lịch có quy mô, phục vụ đa dạng khách du lịch. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương quảng bá sản phẩm du lịch, hình ảnh về Đồng Nai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sự lan tỏa đến nhiều thị trường du lịch trong nước và quốc tế.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều