Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt một số hàng hóa

Ngọc Liên
07:15, 12/09/2024

Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi và lấy ý kiến về các loại hàng hóa, dịch vụ được tính thuế TTĐB theo lộ trình tăng thuế từ năm 2026-2030.

Nhiều mặt hàng tiêu dùng được đề xuất điều chỉnh thuế để hạn chế tiêu dùng trong dân.
Nhiều mặt hàng tiêu dùng được đề xuất điều chỉnh thuế để hạn chế tiêu dùng trong dân. Ảnh: N.LIÊN

Theo Luật Thuế TTĐB hiện hành, 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB gồm: thuốc lá, rượu bia, ô tô, xăng, nước giải khát, dịch vụ vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử có thưởng…

Bộc lộ những hạn chế

Theo thống kê từ Bộ Tài chính, thuế TTĐB chiếm tỷ trọng từ 8-9% trong tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm. Qua 16 năm thực hiện (từ năm 2009) với 4 lần sửa đổi, chính sách thuế TTĐB vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải sửa đổi để phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Theo Bộ Tài chính, Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế. Dự án còn nhằm đổi mới các nội dung và điều luật theo hướng gia tăng, luật hóa các quy định, góp phần cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai. Đồng thời, thực hiện quản lý thuế điện tử, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào NSNN.

Theo Bộ Tài chính, cải cách chính sách thuế TTĐB tạo môi trường pháp luật thống nhất, hạn chế những bất cập của Luật thuế TTĐB hiện hành, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ giữa các luật như: Luật Hải quan năm 2014; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019…

Dự án còn chú trọng việc khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế TTĐB thời gian qua, tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế TTĐB và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật có liên quan, bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho tổ chức thực hiện.

Tại Hội thảo Lấy ý kiến về Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) vừa được tổ chức tại Cần Thơ, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) Trương Bá Tuấn cho hay, thời gian qua, Luật Thuế TTĐB đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, tham khảo chính sách thuế TTĐB tại một số nước ở châu Á như: Trung Quốc, Thái Lan… thì xu thế chung là mở rộng cơ sở tính thuế nhằm hạn chế việc tiêu dùng một số loại hàng hóa có hại cho sức khỏe cộng đồng, trẻ em, môi trường hoặc Nhà nước cần có sự điều tiết về tiêu dùng, bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ mới vào đối tượng chịu thuế TTĐB (như nước giải khát có đường). Do đó, việc Việt Nam thay đổi chính sách thuế TTĐB thời điểm này là cần thiết.

Tăng thuế hàng hóa liên quan đến sức khỏe, môi trường

Theo thống kê của Bộ Tài chính, nếu đề xuất tăng thuế TTĐB với các mặt hàng liên quan đến sức khỏe sẽ giảm được 8% mức tiêu thụ thuốc lá, rượu bia và nước uống có đường. Điều này phù hợp với lộ trình thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới, vì đây là giải pháp tối ưu trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Xăng dầu nằm trong nhóm mặt hàng được đề xuất tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt.
Xăng dầu nằm trong nhóm mặt hàng được đề xuất tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tại Đồng Nai, thu ngân sách từ thuế TTĐB được giao dự toán năm 2024 là 55 tỷ đồng. So với tổng thu NSNN của tỉnh thì con số này không đáng kể. Tuy nhiên, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, thu hút hàng triệu người dân từ nhiều địa phương trong cả nước đến sinh sống và làm việc; nhu cầu sử dụng các dịch vụ, hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa, dịch vụ liên quan đến sức khỏe rất lớn. Do đó, việc đề xuất tăng thuế với các mặt hàng có hại cho sức khỏe như: thuốc lá, nước ngọt, bánh kẹo sẽ tác động trực tiếp đến chi tiêu của người tiêu dùng, nhu cầu tiêu thụ ít, sức khỏe người dân được nâng lên.

Ông Trần Quốc Hào, chủ Cơ sở Phân phối các loại bia, rượu và bánh kẹo tại phường Long Bình, thành phố Biên Hòa cho biết, trung bình mỗi tháng, cơ sở của ông cung ứng cho các cửa hàng, quán ăn các sản phẩm trên với số lượng lớn. Ngoài Biên Hòa, một số địa phương trong tỉnh có đông dân cư cũng tiêu thụ nhiều bia, rượu, nước ngọt, bánh kẹo. Việc tăng thuế TTĐB sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vì chi phí tăng thêm sẽ tính vào giá sản phẩm, như vậy có thể số lượng tiêu thụ sẽ giảm. Tuy nhiên, ông Hào vẫn ủng hộ việc tăng thuế đối với những mặt hàng trên vì hạn chế những tổn hại về sức khỏe, an ninh trật tự, an toàn giao thông do tác động bia, rượu cũng như phòng ngừa các bệnh liên quan đến việc sử dụng quá nhiều sản phẩm ngọt, thức uống có cồn, ga…

Theo các chuyên gia, việc tăng thuế TTĐB ngoài tác dụng điều tiết tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe, môi trường, còn góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, cải thiện năng suất lao động và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, giúp tăng thu NSNN.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều