Phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) theo hướng hữu cơ là một trong những nhiệm vụ đột phá được Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra. Theo đó, các mô hình sản xuất NNHC, theo hướng hữu cơ không ngừng được nhân rộng.
Nông dân xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ bên vườn tiêu hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: B.NGUYÊN |
Các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, nông dân đầu tư NNHC, theo hướng hữu cơ rất quan tâm xây dựng thương hiệu cho nông sản hữu cơ của tỉnh bằng uy tín chất lượng. Đồng thời, các mô hình sản xuất hữu cơ đã bắt đầu xây dựng được chuỗi liên kết, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ hướng đến sự phát triển bền vững.
Đa dạng sản phẩm
Đến nay, Đồng Nai đã phát triển được 9 mô hình đạt chứng nhận sản xuất hữu cơ với diện tích 28,7 hécta. Sản phẩm nông sản hữu cơ ngày càng đa dạng gồm: hồ tiêu; sầu riêng, bưởi, dưa hấu, ổi, đu đủ, ớt, rau các loại. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 17,8 hécta hồ tiêu, 3 hécta rau đang trong giai đoạn chuyển đổi để đạt chứng nhận nông sản hữu cơ.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 107 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với tổng diện tích trên 855,5 hécta. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với quy mô gần 1,6 ngàn hécta, vượt gấp 5 lần so với mục tiêu đề ra đến năm 2025 là có từ 2-3 vùng.
Đến nay, Đồng Nai có 1 DN, 4 HTX, 17 tổ hợp tác, 108 hộ tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Các sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ, theo hướng hữu cơ được tiêu thụ tốt, giá bán cao hơn giá sản phẩm thông thường.
Một số vùng sản xuất theo hướng hữu cơ tiêu biểu như: vùng hồ tiêu tại xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) với 300 hécta; vùng lúa tại xã Phú Bình (huyện Tân Phú) với 168 hécta; vùng lúa tại xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) với 50 hécta; vùng nuôi thủy sản dưới tán rừng tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) với 334 hécta… Những vùng này có kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong những vùng sản xuất này, người dân đã hạn chế tối đa việc sử dụng hóa học trong canh tác, thay vào đó ứng dụng lợi khuẩn probiotic (IMO) và nấm men rượu (MEVI) để xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo nguồn hữu cơ phục vụ sản xuất.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh, để khuyến khích, nhân rộng các mô hình sản xuất NNHC, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ DN, người dân đầu tư như: hỗ trợ xác định diện tích đủ điều kiện sản xuất NNHC; hỗ trợ chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và nước ngoài; hỗ trợ vật tư về sản xuất NNHC; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và quảng cáo sản phẩm NNHC. Các chính sách cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã bố trí ngân sách gần 19,5 tỷ đồng để phân tích mẫu đất, mẫu nước làm cơ sở quản lý, bảo vệ và định hướng người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, cải tạo tăng độ phì cho đất để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Xây dựng chuỗi liên kết
Đến nay, nhiều mô hình sản xuất NNHC, theo hướng hữu cơ đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; một số vùng có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).
Mô hình Trồng rau hữu cơ tại Hợp tác xã Nông trại Dốc Mơ (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất). |
Thạc sĩ Hoàng Công Phước, Giám đốc HTX Nông trại Dốc Mơ (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất), cho biết tuy mới được cấp chứng nhận hữu cơ cho các sản phẩm rau nhưng HTX đã cung cấp đa dạng sản phẩm sạch ra thị trường như: heo, bò, dê, cá, gia cầm… Ngoài ra, HTX còn cung cấp hơn 20 sản phẩm chế biến organic theo mùa ra thị trường. Sản phẩm của nông trại được cung cấp theo gói thực phẩm hàng tháng cho những khách hàng gắn bó, quan tâm sử dụng thực phẩm an toàn.
Theo thạc sĩ Hoàng Công Phước, để thay đổi góc nhìn cũ về nông nghiệp sạch/hữu cơ là “nông nghiệp không hấp dẫn về tài chính” tạo nên định kiến bất lợi, hạn chế sự phát triển của NNHC ở Việt Nam, HTX đang hướng đến triển khai mô hình Nông nghiệp có giá trị xã hội. Mô hình này khá phổ biến và thành công ở các quốc gia phát triển. HTX sẽ tạo ra môi trường xanh, môi trường đáng sống; cung cấp thực phẩm organic… phục vụ du khách đến nghỉ dưỡng cuối tuần và nghỉ dưỡng lâu dài cho người cao tuổi.
Mới đây, tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch số 110-KH/TU ngày 31-12-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn nhấn mạnh, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và nhân rộng mô hình nông nghiệp sạch, NNHC, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nông sản, xử lý các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng và tạo cơ hội cho các sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ đến với người tiêu dùng. Ở đây, vai trò của Sở Công thương rất quan trọng trong thông tin thị trường nhằm cung cấp kịp thời cho người sản xuất về tình hình giá cả, dự báo ngắn và dài hạn về xu hướng thị trường trong nước và thế giới để người dân chủ động điều chỉnh quy mô sản xuất, cân đối cung cầu phù hợp với nhu cầu của thị trường; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin