Báo Đồng Nai điện tử
En

Vướng mắc của nhiều dự án nằm ở khâu giải phóng mặt bằng

Hương Giang
08:01, 23/08/2024

Đồng Nai đang triển khai nhiều dự án quan trọng của quốc gia, vùng, tỉnh và địa phương. Lâu nay, khâu vướng mắc nhiều nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công là bồi thường, giải phóng mặt bằng. Có không ít dự án kéo dài 8-14 năm do các địa phương thực hiện chậm công tác bồi thường. Trong đó, chủ yếu do người dân chưa thống nhất với giá bồi thường hoặc dự án chưa có nơi tái định cư cho những hộ dân bị thu hồi đất.

Các địa phương lý giải việc chậm triển khai công tác bồi thường là do có những hộ dân cho rằng tiền bồi thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường nên người dân bị thu hồi đất sẽ thiệt thòi. Vì thế, có những dự án chỉ vì vướng vài hộ dân không giao đất là đơn vị thi công không thể tiến hành xây dựng. Bên cạnh đó, Đồng Nai đang triển khai vài trăm dự án lớn, nhỏ và đa số phải lấy đất của hộ gia đình, cá nhân. Do đó, cùng một lúc có địa phương phải làm công tác bồi thường cho vài chục dự án, có dự án số hộ dân phải bồi thường, tái định cư lên đến hàng ngàn hộ. Đơn cử như Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải thu hồi đất của hơn 3,4 ngàn hộ dân thuộc địa bàn huyện Long Thành và thành phố Biên Hòa. Đồng Nai khó có thể giải phóng mặt bằng, thu hồi đất giao cho chủ đầu tư dự án trên theo đúng tiến độ đã đề ra. Bởi nhiều hộ dân bị thu hồi đất hiện vẫn chưa có nơi tái định cư.

Hiện nay, Đồng Nai đang triển khai Luật Đất đai năm 2024, các địa phương, chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công đều kỳ vọng chính sách đã thông thoáng, cơ sở pháp lý rõ ràng, chi tiết sẽ tạo ra đột phá trong khâu giải phóng mặt bằng. Có mặt bằng sớm, đơn vị thi công các dự án có thể rút ngắn tiến độ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động đợt cao điểm thi đua 500 ngày đêm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc, trong đó Đồng Nai có 2 dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Giầu Dây - Tân Phú. Tỉnh đang “tăng tốc” trong bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án trọng điểm và nhiều dự án khác. Tuy nhiên, phải sau vài tháng Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thì những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng mới được từng địa phương tháo gỡ. Điểm nghẽn trong bồi thường giải phóng mặt bằng được tháo gỡ sẽ giúp cho kinh tế có những bước tăng trưởng khá và giải ngân vốn đầu tư công cao.               

Hương Giang

Tin xem nhiều