Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sao tỷ lệ đô thị hóa của Đồng Nai thấp?

Phạm Tùng
07:20, 14/08/2024

Đồng Nai phát triển mạnh về công nghiệp, thu hút đông lực lượng lao động đến sinh sống và làm việc nhưng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh hiện đạt thấp so với một số địa phương trong vùng Đông Nam Bộ.

Tỷ lệ đô thị hóa của Đồng Nai hiện thấp hơn so với các địa phương lân cận trong vùng Đông Nam Bộ. Trong ảnh: Một góc đô thị Biên Hòa.
Tỷ lệ đô thị hóa của Đồng Nai hiện thấp hơn so với các địa phương lân cận trong vùng Đông Nam Bộ. Trong ảnh: Một góc đô thị Biên Hòa. Ảnh:P.Tùng

Cùng với đó, chất lượng các đô thị, nhất là hệ thống hạ tầng đô thị phục vụ đời sống người dân tại các đô thị trên địa bàn tỉnh, cũng còn nhiều hạn chế.

Tỷ lệ đô thị của Đồng Nai thấp nhất trong “tứ giác kinh tế”

Theo Sở Xây dựng, tính đến năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt hơn 45%. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành và phát triển được 11 đô thị. Sau 9 năm triển khai thực hiện Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030, việc phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, đánh giá về những mục tiêu chung, việc phát triển đô thị của tỉnh còn tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh hiện còn đạt thấp.

Theo Sở Xây dựng, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%.

Cụ thể, nếu so với tỷ lệ đô thị hóa bình quân chung của cả nước là 43%, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đang cao hơn. Thế nhưng, nếu so sánh với các địa phương lân cận, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đang bị “bỏ lại” khá xa. Trong “tứ giác” kinh tế của vùng Đông Nam Bộ là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, tỷ lệ đô thị hóa của Đồng Nai đang xếp cuối. Hiện Bình Dương có tỷ lệ đô thị hóa đạt mức khoảng 85%; Thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 80%; con số này của tỉnh Bà Ria - Vũng Tàu khoảng 62%.

Không chỉ khiêm tốn về tỷ lệ đô thị hóa, chất lượng các đô thị trên địa bàn tỉnh cũng bị đánh giá “hụt hơi” so với các đô thị khác trên cả nước.

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, hiện Biên Hòa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước nhưng khi so sánh với các đô thị loại I khác trong cả nước thì còn rất khập khiễng.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Tấn Lộc cho hay, quá trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém từ khâu quy hoạch phát triển đô thị đến quản lý, đầu tư, thực thi quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Phải mở đường, đầu tư cho hạ tầng đô thị

Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, Sở Xây dựng vừa có tờ trình trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức lập hồ sơ điều chỉnh Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2030.

Trong đó, sẽ thực hiện đánh giá thực trạng đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xác định các chương trình, đề án trọng tâm để từng bước thực hiện phát triển bền vững đô thị của tỉnh. Xác định nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực, giải pháp, danh mục thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư phát triển đô thị sử dụng nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công.

Theo Sở Xây dựng, việc lập điều chỉnh Chương trình Phát triển đô thị toàn tỉnh sẽ tạo cơ sở đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, tổ chức sắp xếp và quản lý, phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị Giao ban kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024 mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, Đồng Nai là một tỉnh công nghiệp, phát triển mạnh mẽ trong hàng chục năm qua nhưng tỷ lệ đô thị hóa hiện thấp hơn so với 3 địa phương xung quanh.

“Đô thị hóa chậm thì tốc độ lên thành phố chậm, tốc độ để đạt mục tiêu thịnh vượng cũng chậm” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ.

Để tăng tỷ lệ đô thị hóa, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, cần phải nỗ lực để thực hiện quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh. Bởi thời gian qua, dù có quy hoạch phát triển đô thị nhưng Đồng Nai lại chậm hiện thực hóa các quy hoạch này. Muốn biến quy hoạch đô thị trở thành đô thị hóa nhanh thì phải mở đường, phát triển khu dân cư mới. Phải có hạ tầng đô thị đi theo thì tốc độ đô thị hóa mới nhanh được. Chứ chỉ có quy hoạch mà chậm mở đường, chậm đầu tư hạ tầng, chậm đầu tư đô thị mới thì không thể nhanh được.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, thời gian tới, từng thành phố, từng huyện phải tính lại tốc độ đô thị hóa của từng địa phương. Đồng thời, trong chiến lược phát triển của tỉnh cũng phải rất lưu ý đến vấn đề đô
thị hóa.        

Phạm Tùng

Tin xem nhiều