Báo Đồng Nai điện tử
En

Thị trường thực phẩm Halal chờ doanh nghiệp khai thác

Văn Gia
08:38, 27/08/2024

Thị trường thế giới hiện có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm Halal (dành cho người Hồi giáo), nhất là sản phẩm nông sản. Khai thác tiềm năng từ những quốc gia có nhiều người dân theo đạo Hồi là cơ hội của các doanh nghiệp (DN) Việt.

Sản phẩm của Công ty CP Thực phẩm G.C quảng bá vào thị trường Malaysia trong tháng 8-2024. Ảnh: Thanh Tâm
Sản phẩm của Công ty CP Thực phẩm G.C quảng bá vào thị trường Malaysia trong tháng 8-2024. Ảnh: Thanh Tâm

Tuy nhiều tiềm năng song đây cũng là mảng mà các DN mới bước đầu khai phá. Những quy chuẩn khắt khe về chứng nhận thực phẩm Halal là điều các đơn vị muốn kinh doanh ở thị trường này cần phải đặc biệt quan tâm.

Thị trường rộng lớn

Với dân số hơn 2 tỷ người, các nước Hồi giáo (ở Trung Đông, Nam Á, Đông Nam Á) đang được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho các nước có nhiều lợi thế về nông sản, thủy sản như Việt Nam. Trong đó, thực phẩm có chứng nhận Halal dành cho người theo đạo Hồi cũng vì thế mà có nhu cầu lớn.

Theo Công ty TNHH Halal Việt Nam (Thành phố Hà Nội), chi tiêu cho thực phẩm Halal trên thế giới đang tăng nhanh từ 1,4 ngàn tỷ USD vào năm 2020, dự báo lên 2,8 ngàn tỷ USD vào năm 2030, gần 5 ngàn tỷ USD vào năm 2050.

Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu nông, thủy sản với tiêu chuẩn cao. Cơ cấu hàng xuất, nhập khẩu của nước ta mang tính bổ sung đối với thị trường các nước Hồi giáo. Đây cũng là những thị trường còn nhiều dư địa. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi thế nhất định cho Việt Nam.

Tương tự, đối với Đồng Nai, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đạt hơn 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, phần lớn doanh số xuất khẩu đến từ thị trường Trung Quốc, cùng với đó là một số quốc gia khác. Tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Halal rất lớn nhưng vẫn đang chờ DN khai thác.

Công ty CP Thực phẩm G.C ở Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom)  là một trong những DN của Đồng Nai đã xuất khẩu hàng hóa, thực phẩm sang các thị trường Halal. Mới đây, DN này đã có dịp giới thiệu cũng như quảng bá sản phẩm trong Chương trình Lễ kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 do Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tổ chức.

Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT công ty, đây là dịp để G.C giao lưu và gặp gỡ các đối tác, nhà đầu tư tiềm năng tại Malaysia, mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm. Ngoài Malaysia, sản phẩm của công ty cũng đã xuất khẩu sang một số quốc gia Hồi giáo với tỷ trọng khoảng 20% trong tổng số doanh thu xuất khẩu của DN năm 2023.

Để gia tăng xuất khẩu vào thị trường thực phẩm Halal

Nhu cầu cao và Việt Nam có nhiều mặt hàng phù hợp với nhu cầu của người Hồi giáo như: gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá… nhưng nghịch lý là nước ta hiện vẫn chưa có tên trong danh sách 30 nhà cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu. Các DN Việt chỉ mới xuất khẩu được khoảng 20 mặt hàng cho thị trường này.

Theo Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Lê Hoàng Tài, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Halal truyền thống tại Đông Nam Á, Nam Á và Trung Đông, Bắc Phi chủ yếu là nông - thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Các DN Việt thường chỉ tập trung vào 2 thị trường gần là Indonesia và Malaysia, tỷ trọng ở những nước khác còn thấp.

Một trong những nguyên nhân là do thiếu thông tin và sự khác biệt về văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng và đặc biệt là quy trình khắt khe của việc xin chứng nhận Halal. Các chứng nhận vốn không có giá trị vĩnh viễn và giá trị cũng khác nhau với từng nước Hồi giáo nên DN nhiều khi cũng ngại và lúng túng.

Theo Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh Lý Kim Chi, DN muốn được chứng nhận Halal phải có đủ thông tin và kiến thức đâu là sản phẩm được phép và không được phép theo luật của người Hồi giáo. Các sản phẩm Halal và không Halal không thể được sản xuất trong cùng một dây chuyền và phải đảm bảo là Halal trong toàn bộ chuỗi cung ứng...

Để hỗ trợ DN, tháng 4-2024, Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia đã được thành lập. Chính phủ cũng rất quan tâm, khuyến khích DN xuất khẩu vào thị trường này bằng việc thông qua Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030. Song song đó là ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác thêm với các quốc gia Hồi giáo khác.

Theo các chuyên gia, tiềm năng của thị trường Halal rất lớn nhưng cần phải triển khai chặt chẽ từng bước, không vội vàng để có thể tạo được cơ sở vững chắc. Ngoài vấn đề cung cấp thông tin, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này thì để có nền công nghiệp Halal đủ mạnh, Nhà nước cũng cần quy hoạch, thiết lập các khu công nghệ sản xuất sản phẩm Halal tập trung và chuyên biệt kết hợp với hàng loạt khâu như: logistics, dịch vụ, văn hóa… chuẩn Halal.

Mời doanh nghiệp tham gia Hội chợ Halal Expo tại Saudi Arabia

Từ ngày 28 đến 30-9, Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia sẽ mở gian hàng tham dự Hội chợ Halal Expo tại thủ đô Riyadh. Các DN có thể tham dự hội chợ trực tiếp hoặc gửi sản phẩm trưng bày kèm danh thiếp, tờ rơi bằng tiếng Anh để Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia quảng bá tại hội chợ và được miễn phí nếu tham gia gian hàng chung. Thời hạn nhận hàng chậm nhất ngày 25-9-2024.

Các DN liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia: ông Trần Trọng Kim, Trưởng Thương vụ, số điện thoại +966544326015, email: arx@moit.gov.vn để biết thêm thông tin.

Văn Gia

Tin xem nhiều