Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháo gỡ các “điểm nghẽn” để phát triển kinh tế - xã hội

Phạm Tùng
07:30, 07/08/2024

Công tác giải ngân vốn đầu tư công; giải phóng mặt bằng và lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu bị chậm tiến độ là những trở lực chính ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 7 tháng đầu năm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Giao ban kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng của năm 2024.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Giao ban kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng của năm 2024. Ảnh:P.Tùng

Đây là nội dung đã được các đơn vị liên quan chỉ rõ tại Hội nghị Giao ban kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng của năm 2024. Tham dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh; Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức; Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo; Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên, trong 7 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả khả quan. Trong đó, chỉ số phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ đạt mức khá.

Cụ thể, trong 7 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023, mức tăng này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 13 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 9,5 tỷ USD; xuất siêu đạt hơn 3,7 tỷ USD…

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, trong 3 năm nữa, nhu cầu nhân lực phục vụ Sân bay Long Thành cũng như khu vực xung quanh sân bay là rất lớn. Do đó, tỉnh phải xây dựng chiến lược để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển dài hơi trong 5-10 năm tới, trong đó có nguồn nhân lực phục vụ Sân bay Long Thành.

Giám đốc Sở Tài chính Trương Thị Hương Bình cho biết, trong 7 tháng của năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 35,8 ngàn tỷ đồng, đạt 65% dự toán Trung ương giao.

Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng qua, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, thể dục - thể thao cũng cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm kịp thời. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đó là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp.

“Đầu năm, các đơn vị đã cam kết hết tháng 6 sẽ giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn. Thế nhưng, đến cuối tháng 7, tỉnh mới giải ngân được hơn 5,4 ngàn tỷ đồng, đạt hơn 28% kế hoạch vốn” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chỉ rõ.

Cùng với đó, hàng loạt hạn chế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 7 tháng qua như: công tác lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, nhất là Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu còn chậm; việc xử lý các điểm ngập  nước khi trời mưa cũng chưa hoàn thành. Có 18 khu đất trong kế hoạch đưa ra đấu giá trong năm 2024, đến nay chưa đấu giá được khu nào.

Để xử lý những tồn tại trên, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về thúc đẩy công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải bám sát và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công gắn với đảm bảo chất lượng công trình, dự án.

“Phải coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu.

“Chậm chân” sẽ mất cơ hội đón đầu Sân bay Long Thành

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá, trong tháng 7, các cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Một số kết quả đã đạt được như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư xã hội có tăng. Về các nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới, từng địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt việc di dời các cơ sở chăn nuôi không đảm bảo quy hoạch. Đồng thời, các địa phương cũng phải kiểm soát, có lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp tồn tại không đúng quy hoạch, nằm trong các khu dân cư.

Tính đến cuối tháng 7, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh vẫn đạt thấp. Trong ảnh: Công nhân thi công Dự án Đường ven sông Cái, thành phố Biên Hòa.
Tính đến cuối tháng 7, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh vẫn đạt thấp. Trong ảnh: Công nhân thi công Dự án Đường ven sông Cái, thành phố Biên Hòa.

“Chúng ta phải giải quyết bài toán về quy hoạch, các cơ sở công nghiệp phải vào đúng vị trí để sản xuất, kinh doanh bền vững; không được phép lấy các quỹ đất khác để làm công nghiệp. Phải trả lại chức năng các khu đất cho hoạt động phúc lợi xã hội phục vụ nhân dân” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Đối với Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, hiện nay, không gian phát triển dịch vụ cho Sân bay Long Thành đang quá chậm. Một khách sạn 5 sao được khởi công ngay bây giờ thì đến cuối năm 2026 chưa chắc đã đưa vào hoạt động được. Như vậy, nếu đến cuối năm 2026, chuyến bay đầu tiên cất cánh thì hành khách đến Đồng Nai liệu có chỗ ở hay không. Sân bay quốc tế thì yêu cầu về nơi ở, vui chơi cũng phải cao cấp. Do đó, UBND tỉnh và UBND huyện Long Thành phải sớm làm việc, những khu đất nào có thể triển khai các dự án dịch vụ phục vụ Sân bay Long Thành thì phải triển khai ngay. Bởi, nếu không làm ngay sẽ mất cơ hội.

“Một khi đã để lại dấu ấn trong đầu du khách là xuống sân bay phải đi ngay vì Đồng Nai không có dịch vụ gì thì việc kéo hành khách trở lại sẽ rất khó khăn” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều