Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẵn sàng đưa Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống

Hoàng Lộc
07:20, 21/08/2024

Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có hiệu lực. Một số quy định thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh đã lấy ý kiến xong. Sở Tài nguyên và môi trường (TNMT) đã tổ chức hội nghị triển khai các quy định mới đến đội ngũ cán bộ chủ chốt.

Dự án Khu dân cư tại huyện Thống Nhất.
Dự án Khu dân cư tại huyện Thống Nhất. Ảnh: Hoàng Lộc

Những yếu tố trên là điều kiện để đưa Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đã hoàn thiện các văn bản thuộc thẩm quyền

Để kịp thời triển khai Luật Đất đai năm 2024 ngay khi có hiệu lực, trong tháng 7-2024, Chính phủ đã ban hành 6 nghị định hướng dẫn thi hành. Trong đó có một số nghị định quan trọng tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội như: giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; điều tra đất đai và đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất...

Theo thẩm quyền và trách nhiệm được giao tại luật, các nghị định, tỉnh đã xây dựng nhiều quy định để triển khai thực hiện.

Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức chia sẻ, ngay sau khi Luật Đất đai năm 2024 được ban hành, Sở TN-MT là cơ quan tham mưu đã khẩn trương soạn thảo, chỉnh sửa, hoàn thiện các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh. Sau khi hoàn thiện, sở lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương và đăng trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh để người dân biết, cùng tham gia đóng góp ý kiến cho các dự thảo.

Đồng Nai đang hoàn thiện các quy định: bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở; tách thửa, hợp thửa; xây dựng công trình trên đất nông nghiệp… theo Luật Đất đai năm 2024.

Cũng theo ông Đức, thời điểm hiện tại, gần 10 dự thảo quy định liên quan đến Luật Đất đai năm 2024 đã hoàn thành lấy ý kiến. Cơ quan chuyên môn đang tổng hợp, chỉnh sửa, hoàn chỉnh để trình UBND tỉnh ký ban hành. Trong số đó có quy định về: bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở; các loại giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất có trước ngày 15-10-1993; diện tích đất sử dụng để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp; điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với một số loại đất…

Cũng theo Sở TN-MT, ngoài công tác soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, khi Chính phủ ban hành nghị định mới, sở nhanh chóng tổ chức hội nghị triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong lĩnh vực đất đai toàn tỉnh.

Sắp tới, Sở TN-MT xin ý kiến UBND tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến nghị định hướng dẫn thi hành luật, quy định của tỉnh đến đội ngũ làm việc trực tiếp ở các phòng TN-MT, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai và cán bộ địa chính cấp phường, xã. 

Tháo gỡ nhiều khó khăn cho địa phương

Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành sớm hơn quy định 5 tháng nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn” về đất đai cho các dự án, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Lê Thanh Tuấn cho rằng, Luật Đất đai năm 2024 và đặc biệt là các nghị định hướng dẫn thi hành sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các nhóm vấn đề như: xác định giá đất để giao đất, cho thuê đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp không có giấy tờ đã sử dụng trước ngày 1-7-2014; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án; mở rộng đối tượng và hạn mức nhận chuyển nhượng đất trồng lúa… Nhiều diện tích đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng trước ngày 1-7-2014, không có đủ giấy tờ, quy định của Luật Đất đai năm 2024 sẽ tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất và nâng tỷ lệ cấp giấy của tỉnh.

Trưởng phòng Đất đai (Sở TN-MT) Trần Hữu Phước cho rằng, nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định đa dạng hình thức được bồi thường, trong đó có bồi thường đất có mục đích sử dụng khác với loại thu hồi, nhà ở. Quy định chi tiết hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu tái định cư và thứ tự lựa chọn địa điểm tái định cư. Quy định cụ thể các khoản bồi thường, hỗ trợ trong từng trường hợp và trình tự, thủ tục các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia của người dân, các cơ quan giám sát ở các khâu thực hiện.

“Luật có nhiều quy định mới bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người bị thu hồi đất, góp phần hạn chế và giải quyết khiếu kiện về đất đai; đa dạng hóa hình thức bồi thường về đất; đồng thời, quy định thêm nhiều khoản hỗ trợ cho người bị thu hồi đất…” - ông Phước cho hay.

Để đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định, sau khi lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức có liên quan và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh để lấy ý kiến rộng rãi của người dân, các dự thảo quy định liên quan đến Luật Đất đai năm 2024 sẽ được Sở Tư pháp thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều