Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy hoạch, sử dụng hiệu quả khoáng sản

Lê An
07:31, 14/08/2024

Đồng Nai là địa phương có trữ lượng khoáng sản lớn ở khu vực Đông Nam Bộ. Trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hàng ngàn hécta đất được dành cho khai thác khoáng sản (KTKS).

Mỏ khai thác khoáng sản tại huyện Vĩnh Cửu.
Mỏ khai thác khoáng sản tại huyện Vĩnh Cửu. Ảnh:L.Mai

Việc quy hoạch đất cho KTKS phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, song cần tính toán để sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên hữu hạn này.

Còn nhiều tồn tại trong quản lý, KTKS

Từ nhiều năm trước, Đồng Nai đã quy hoạch hơn 1,3 ngàn hécta đất cho mục đích KTKS. Phần lớn diện tích này nằm ở huyện Vĩnh Cửu (458 hécta), thành phố Biên Hòa (388 hécta), huyện Xuân Lộc 198 (hécta), huyện Thống Nhất (175 hécta) và rải rác ở các địa phương khác. Nhờ lợi thế nguồn tài nguyên, tỉnh đã quy hoạch, cấp phép cho nhiều dự án KTKS giúp có thêm nguồn thu cho ngân sách, hàng ngàn lao động địa phương có việc làm. Quan trọng hơn, nguồn vật liệu xây dựng đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các tỉnh, thành phía Nam.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Ngọc Hưng đánh giá, những năm qua, các mỏ KTKS trên địa bàn tỉnh tuân thủ quy định về đóng tiền cấp quyền KTKS, thuế tài nguyên và phí môi trường. Các mỏ khoáng sản cơ bản đảm bảo đủ nguồn vật liệu phục vụ các công trình giao thông và xây dựng hạ tầng.

Quy hoạch KTKS giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai có 40 mỏ đá xây dựng diện tích hơn 1,4 ngàn hécta, 9 mỏ sét gạch ngói với tổng diện tích 470 hécta, 6 mỏ vật liệu san lấp với tổng diện tích 24 hécta…

Cũng theo đánh giá của Sở Tài nguyên và môi trường, hoạt động KTKS vẫn còn những tồn tại, bất cập nhất định. Đó là, doanh nghiệp mới thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong khu vực mỏ, quá trình vận chuyển còn gây hư hỏng đường sá, phát tán bụi. Việc đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường sau khai thác còn chậm. Khai thác và mua bán cát, đất làm vật liệu san lấp trái phép vẫn diễn ra.

Cùng với đó, có tình trạng KTKS không theo kế hoạch, thiết kế mỏ dẫn đến cạn kiệt, lãng phí nguồn tài nguyên. Chế biến sâu khoáng sản chưa được chú trọng. Những hạn chế khác do đội ngũ quản lý nhà nước về khoáng sản còn mỏng về số lượng và yếu về chất lượng, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa hiệu quả.

Mặt khác, sự chồng chéo, không đồng bộ giữa các Luật: Khoáng sản, Đất đai, Đầu tư… dẫn đến công tác đấu giá quyền KTKS, việc tính tiền cấp quyền KTKS còn nhiều bất cập. Các dự án nạo vét kênh mương, hồ đập, cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi khoáng sản chưa có hướng dẫn cụ thể.

Thực tế 2 năm qua, nhiều dự án giao thông trọng điểm thiếu đất đắp nền do một số mỏ đã được cấp phép nhưng chậm khai thác, khu vực có tiềm năng thì chưa phù hợp quy hoạch KTKS và quy hoạch sử dụng đất. Tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy trình, quy hoạch nhưng vẫn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.

Sử dụng hiệu quả quỹ đất, nguồn tài nguyên

Với mục tiêu khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã quy hoạch khai thác 40 mỏ đá xây dựng với tổng diện tích hơn 1,4 ngàn hécta để phục vụ xây dựng dân dụng và các công trình, dự án trọng điểm. Về mỏ sét gạch ngói, sẽ tiếp tục thăm dò, khai thác các điểm mỏ đã quy hoạch trước; đồng thời mở rộng, bổ sung thêm khoảng 9 mỏ với tổng diện tích hơn 470 hécta. Tương tự, với nguồn vật liệu san lấp, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh các mỏ chưa phù hợp quy hoạch, bổ sung thêm các điểm mỏ mới. Ngoài ra, còn có các loại đất quy hoạch KTKS khác.

Mỏ khai thác khoáng sản tại thành phố Biên Hòa.
Mỏ khai thác khoáng sản tại thành phố Biên Hòa.

Bên cạnh đó, tỉnh đưa vào quy hoạch thăm dò 20 mỏ đá xây dựng, 4 mỏ sét gạch ngói, 4 mỏ cát, 4 mỏ than bùn, 1 mỏ vật liệu san lấp với tổng diện tích khoảng 900 hécta.

Để đảm bảo nguồn vật liệu cho tương lai, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tỉnh cũng quy hoạch các khu vực cấm, tạm cấm hoạt động KTKS. Trong đó, đá xây dựng có 41 khu vực cấm hoạt động KTKS với diện tích hơn 4 ngàn hécta và tài nguyên dự báo gần 1,3 triệu m3, sét gạch ngói có 58 khu vực cấm hoạt động với tổng diện tích hơn 4,7 ngàn hécta và tài nguyên dự báo 218 triệu m3, vật liệu san lấp có 42 khu vực cấm với diện tích hơn 2,2 ngàn hécta và tài nguyên dự báo khoảng 65 triệu m3…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho hay, thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện kiểm kê tài nguyên khoáng sản để triển khai phương án bảo vệ, thăm dò khai thác theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, sẽ tăng cường công tác quản lý nước về địa chất, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong hoạt động KTKS. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về địa chất, khoáng sản.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khi đi khảo sát thực tế các mỏ đá vào năm 2023 cho rằng, khoáng sản là vật liệu quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở hiện tại và tương lai. Vì thế, việc quy hoạch, thăm dò, cấp phép, KTKS phải tính toán kỹ. Mỏ KTKS phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, sử dụng đất, quy hoạch KTKS. Doanh nghiệp khai thác, kinh doanh khoáng sản phải tuân thủ phương án và báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt, không được làm ô nhiễm nguồn nước, không khí, phải hoàn thổ hậu khai thác.

Lê An

Tin xem nhiều