Báo Đồng Nai điện tử
En

Những bước tiến dài của kinh tế Đồng Nai

Khánh Minh
09:00, 30/08/2024

Qua mỗi thập niên, kinh tế Đồng Nai đã có những bước tiến dài. Từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu chịu tàn phá nặng nề của chiến tranh, Đồng Nai đã là tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp phát  triển. Hiện Đồng Nai nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế.

Sản xuất nến xuất khẩu tại Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam (ở Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa). Ảnh: K.Minh

Với các lợi thế từ hạ tầng giao thông kết nối, dự kiến đến năm 2030, Đồng Nai sẽ trở thành địa phương có quy mô kinh tế xếp thứ 3 cả nước, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Thuộc “đầu tàu” kinh tế Việt Nam

Đồng Nai hình thành và phát triển công nghiệp khá sớm so với các tỉnh, thành trên cả nước. Do phát triển công nghiệp sớm nên các nhà máy trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 1,2 triệu lao động trong và ngoài tỉnh. Trong đó, riêng 31 khu công nghiệp đang hoạt động có hơn 566 ngàn lao động.

Đến nay, các khu công nghiệp của tỉnh thu hút 2.140 dự án với tổng vốn đăng ký gần 33,8 tỷ USD. Bao gồm 1.500 dự án của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 640 dự án của DN trong nước. Đồng Nai là tỉnh thu hút được làn sóng FDI lớn. Do đó, tỉnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam. Đồng thời, tỉnh luôn nằm trong nhóm đầu các địa phương về thu hút FDI, xuất khẩu, xuất siêu, thu ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực toàn xã hội cho phát triển kinh tế.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên, nhiều năm qua, Đồng Nai là điểm đến được nhiều DN trong nước, nước ngoài chọn lựa. Các DN đầu tư vào tỉnh đa số thành công đã đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước của tỉnh.

Từ nhiều năm nay, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu được mệnh danh là “tứ giác”, đầu tàu kinh tế của Việt Nam, bởi khu vực này đóng góp hơn 30% cho GDP, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách của cả nước. Đây cũng là khu vực tập trung nhiều nguồn vốn đầu tư của DN FDI, DN trong nước. Có nhiều DN sau khi đầu tư vào Đồng Nai thành công đã mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước và tăng vốn gấp nhiều lần so với ban đầu như: C.P., Hyosung, Nestlé, Amata, Changshin,
Phong Thái, Formosa…

Năm 1976, kinh tế ở Đồng Nai chủ yếu là nông nghiệp với tỷ trọng 65%, thương mại dịch vụ 21,5%, công nghiệp - xây dựng 13,5%. Thời điểm này nông nghiệp là chủ đạo nhưng rất lạc hậu, phải tập trung vào khắc phục hậu quả chiến tranh để lại, kinh tế tăng trưởng chậm. Từ năm 1990 trở đi, kinh tế Đồng Nai mới bắt đầu bứt phá tăng trưởng cao khoảng 13%/năm. Kinh tế chuyển dịch nhanh sang công nghiệp - xây dựng, thương mại dịch vụ và giảm nông nghiệp. Đến năm 2023, công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 61%, thương mại dịch vụ 30% và nông nghiệp 9%.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, dù là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai vẫn quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn vì 60% dân số sống ở khu vực nông thôn. Tỉnh nằm trong nhóm đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống người dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt, thu hẹp khoảng cách với đô thị.

Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân khoảng 10%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 14.650 USD.

Sẽ trở thành trung tâm liên kết vùng

Với vị trí địa lý chiến lược, giao thông kết nối tốt, Đồng Nai có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm dẫn dắt liên kết vùng, kiến tạo và phát triển 3 trục kinh tế chính của khu vực Nam Bộ bao gồm: vùng kinh tế Đông Nam Bộ, vùng kinh tế Tây Nam Bộ, trục hành lang kinh tế biển.

Nhiều năm qua, kinh tế Đồng Nai có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển trong tương lai. Cụ thể, quy mô GRDP của tỉnh giai đoạn 2016-2020 khoảng 9 tỷ USD, đến cuối năm 2023 đạt 10 tỷ USD, tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh luôn cao hơn bình quân chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người của tỉnh hiện đạt 4.980 USD. Đồng thời, mỗi năm thu hút FDI của tỉnh đều đạt hơn 1 tỷ USD, vượt kế hoạch năm từ 20-50%/năm.

Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai Tien Kun Chang cho biết, các DN Đài Loan có mặt ở Đồng Nai khá sớm, từ những năm 1990. Hơn 30 năm qua, nhiều DN Đài Loan hoạt động hiệu quả đã tăng vốn đầu tư vào tỉnh gấp 2-5 lần so với số vốn đăng ký ban đầu. Hiện Đài Loan xếp thứ 2 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với 5,9 tỷ USD. Đồng Nai có lợi thế là trung tâm kết nối giao thông vùng nên trong những năm tới, đây là khu vực sẽ được nhiều DN Đài Loan lựa chọn để đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.

Gần đây, Chính phủ, Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh và vùng Đông Nam Bộ, bởi khi hoàn thành sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế của vùng. Đầu tàu kinh tế phát triển mạnh sẽ kéo theo các vùng lân cận phát triển theo.

Tại Hội nghị lần thứ 4 Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ được tổ chức vào ngày 10-8-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, vùng Đông Nam Bộ đóng góp hơn 30% GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước. Trong thời gian tới, vùng cần tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng chính là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Bên cạnh đó, Đông Nam Bộ nên đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và các lĩnh vực mới nổi như: chíp bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…

Với mục tiêu sẽ trở thành trung tâm kinh tế lớn thứ 3 của Việt Nam, hiện Đồng Nai “tăng tốc” trong triển khai các giải pháp phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững. Khi Sân bay quốc tế Long Thành, Sân bay lưỡng dụng Biên Hòa, các đô thị xanh, trung tâm logistics, khu công nghiệp, cảng biển được kết nối và đưa vào khai thác, Đồng Nai sẽ là trung tâm phát triển kinh tế lớn của vùng, cả nước.

Khánh Minh

Từ khóa:

kinh tế Đồng Nai

Tin xem nhiều