Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều tồn tại trong quản lý, đầu tư dự án hồ chứa thủy lợi

Bình Nguyên
07:40, 10/08/2024

Hiện nay, nhiều dự án hồ chứa nước trên địa bàn đã xuống cấp, cần quan tâm nâng cấp, sửa chữa. Các địa phương có nhu cầu nâng cấp và đầu tư mới các dự án hồ chứa nước nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt. Tuy nhiên, việc đầu tư mới cũng như nâng cấp các dự án hồ chứa nước còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ.

Khu vực hồ
Sông Mây
(huyện Trảng
Bom) xảy ra
nhiều vụ vi
phạm lấn chiếm
đất công trình
thủy lợi.
Khu vực hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom) xảy ra nhiều vụ vi phạm lấn chiếm đất công trình thủy lợi. Ảnh: B.Nguyên

Toàn tỉnh có 139 công trình thủy lợi, trong đó chỉ có 18 dự án hồ chứa nước. Tuy số lượng ít nhưng các hồ chứa nước có vai trò rất lớn trong hệ thống thủy lợi và phục vụ nhu cầu nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt.

Khai thác chưa xứng tiềm năng

Toàn tỉnh có 18 hồ chứa nước, trong đó Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý 12 công trình; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố Long Khánh quản lý 5 công trình; Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quản lý 1 công trình. Tổng dung tích các hồ đạt trên 109 triệu m3. Tổng năng lực tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp trên 6,2 ngàn hécta. Tổng năng lực cấp nước thô phục vụ công nghiệp và sinh hoạt gần 185,4 ngàn m3/ngày.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Đình Minh nhận xét, phần lớn các công trình hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh được xây dựng lâu năm, trải qua nhiều lần bàn giao đơn vị quản lý khai thác nên hồ sơ pháp lý, hồ sơ đất đai, hồ sơ kỹ thuật bị mất hoặc thất lạc, dẫn đến khó khăn cho việc đánh giá tài sản và báo cáo tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; trong công tác xử lý khi xảy ra các vụ việc vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN yêu cầu các cơ quan, đơn vị quản lý chuyên ngành và địa phương phải thực hiện tốt trách nhiệm trong công tác quản lý, khai thác, vận hành các công trình thủy lợi. Có giải pháp cải tạo, sửa chữa các dự án hồ chứa đã xuống cấp, bổ sung kế hoạch khai thác lợi thế, tiềm năng, cảnh quan xung quanh hồ.

Nhiều dự án đầu tư mới các hồ chứa nước cũng gặp khó khăn do các dự án xây dựng hồ thủy lợi yêu cầu diện tích đất xây dựng khá lớn như: Dự án Hồ Cà Ròn (huyện Định Quán) có diện tích 174 hécta, hồ Suối Đá (huyện Tân Phú) khoảng 80 hécta... Diện tích đất của các dự án trên bao gồm nhiều loại đất khác nhau như: đất lúa, đất rừng... nên vướng trong việc chuyển đổi đất lúa, đất rừng, điều chỉnh quy hoạch kéo dài. Ngoài ra, vướng về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Trong quá trình thực hiện, một số dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do thay đổi giải pháp kỹ thuật, giá vật tư, thiết bị, chi phí đền bù tăng...

Một số dự án có vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn đầu tư công trong giai đoạn đã được bố trí cho các dự án khác nên không đủ nguồn kinh phí để thực hiện. Cụ thể, hồ Xuân Quế có dung tích khoảng 4,8 triệu m3, vốn đầu tư khoảng 539 tỷ đồng; hồ Suối Cả dung tích khoảng 5,5 triệu m3, vốn đầu tư khoảng 514 tỷ đồng...

Khó khăn trong quản lý

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, đơn vị đang quản lý nhiều dự án hồ chứa nước của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty đã phát hiện và phối hợp với các địa phương lập biên bản 5 vụ vi phạm lấn chiếm đất công trình thủy lợi. Tổng số vụ vi phạm lấn chiếm công trình thủy lợi mà công ty lập hồ sơ chuyển địa phương xử lý từ trước đến nay đang còn tồn là 112 trường hợp chưa được xử lý dứt điểm. Đa số các vụ vi phạm là ở các công trình hồ chứa.

Cụ thể, trên địa bàn huyện Trảng Bom có hồ Sông Mây hiện còn 19 vụ vi phạm; hồ Bà Long có 13 vụ vi phạm. Trên địa bàn huyện Long Thành, hồ Cầu Mới tuyến VI có 13 vụ vi phạm, 2 vụ tranh chấp; hồ Cầu Mới tuyến V có 2 vụ vi phạm, 9 vụ tranh chấp. Trên địa bàn huyện Tân Phú có hồ Đa Tôn với 7 vụ vi phạm, 1 vụ tranh chấp.

 Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Dương Xuân Sơn kiến nghị UBND cấp xã có công trình thủy lợi chịu trách nhiệm phối hợp, tổ chức kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục tình trạng theo đúng quy định. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan, địa phương và đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch khai thác tổng hợp, mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ để phát huy năng lực của các công trình thủy lợi, nhất là các hồ chứa nước.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu các địa phương quan tâm hơn trong việc đầu tư kinh phí, con người để khai thác các công trình hiện hữu hiệu quả hơn. Chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tích cực trong công tác vận động, tuyên truyền để người dân ủng hộ, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng trong triển khai các công trình thủy lợi. Với các dự án hồ chứa nước lớn có nhiều chức năng như: phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt, dịch vụ, du lịch…, đề nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành rà soát, bổ sung các chức năng, liên kết với các doanh nghiệp khai thác hiệu quả những chức năng của hồ. Qua đó, vừa khai thác hiệu quả, vừa hạn chế tình trạng lấn chiếm, làm tốt hơn trong công tác quản lý công trình.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều