Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành công nghiệp Đồng Nai vào cuộc đua tiết kiệm điện:
Bài cuối: Phát triển năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất

Hoàng Lộc - Nguyễn Hằng
07:10, 10/08/2024

Trước yêu cầu về tiết kiệm điện (TKĐ) và xanh hóa sản xuất, không ít doanh nghiệp (DN) đã tự phát triển năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất. Giải pháp này vừa mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho DN, vừa góp phần giảm áp lực cung ứng điện.

Kiểm tra đấu nối điện mặt trời mái nhà phục vụ sản xuất công nghiệp.
Kiểm tra đấu nối điện mặt trời mái nhà phục vụ sản xuất công nghiệp. Ảnh:T.L

Đây cũng là chính sách khuyến khích của Đảng và Nhà nước nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và nâng cao vị thế cạnh tranh của nền kinh tế.

Giảm áp lực cung ứng điện

Đồng Nai có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Đó là điện sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp và rác thải, năng lượng hydrogen xanh và lớn nhất là điện mặt trời mái nhà. Đồng Nai có số giờ nắng trung bình 2,4 ngàn giờ/năm. Các chỉ số này cao hơn bình quân chung khu vực Nam Bộ và là lợi thế tốt để phát triển điện mặt trời mái nhà.

Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong cho biết, tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà ở tỉnh lên đến hàng ngàn MW. Trong đó, tiềm năng lớn nhất là hệ thống mái nhà xưởng trong các khu công nghiệp với khoảng 3,5 ngàn MW. Hiện tỉnh có 31 khu công nghiệp hoạt động với tổng diện tích hơn 10 ngàn hécta, trong đó diện tích nhà xưởng có thể lắp đặt điện mặt trời hơn 7 ngàn hécta.

Cũng theo ông Phong, việc phát triển điện mặt trời trên mái nhà xưởng có sẵn phục vụ sản xuất vừa làm gia tăng nguồn điện và chống quá tải lưới tại chỗ, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, vừa giảm tải cho lưới điện và hệ thống truyền tải quốc gia.

Tại Quy hoạch điện VIII, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2030 năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện đạt tỷ lệ khoảng 31-39%, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 47%. Đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo khoảng 66-71%.

Thời gian qua, nhờ lợi thế này và các chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời của Trung ương và tỉnh, trên địa bàn tỉnh có gần 6 ngàn hệ thống điện mặt trời được đấu nối vào lưới điện quốc gia, sản lượng điện phát lên lưới chiếm 5% điện thương phẩm toàn tỉnh. Trong đó, nhiều hệ thống điện mặt trời vừa phục vụ sản xuất công nghiệp tại chỗ, vừa phát lưới.

Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP TKG Taekwang Vina (thành phố Biên Hòa) Vũ Đình Quân cho hay, để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, công ty đã đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà tại nhà máy ở Khu công nghiệp Long Bình. Công ty đang tiếp tục đầu tư 3 hệ thống khác tại các nhà máy ở Đồng Nai, Cần Thơ và Tây Ninh với tổng công suất 20MWp. Khi hoạt động, các hệ thống này sẽ tạo ra khoảng 28 ngàn MW điện/năm, đáp ứng hơn 10% nhu cầu điện năng cho các nhà máy, đồng thời giúp cắt giảm hơn 22 ngàn tấn khí thải CO2/năm.

Còn tại Công ty Ajinomoto Việt Nam thì phát triển cùng lúc nhiều loại hình năng lượng tái tạo. Phó tổng giám đốc công ty Hoàng Văn Quốc Chương chia sẻ, công ty có 2 nhà máy tại Đồng Nai. Trong đó, nhà máy tại thành phố Biên Hòa đã đầu tư lò hơi sinh khối sử dụng viên nén trấu thay nhiên liệu dầu DO hay khí LPG. Sắp tới, lò hơi này nâng cấp thành hệ thống đồng phát điện hơi với công suất phát điện 12MW, khi đó sẽ cung cấp 50% lượng điện phục vụ cho nhà máy và giảm phát thải khoảng 42 ngàn tấn CO2/năm.

Còn nhà máy tại huyện Long Thành đang lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất 2 ngàn kW, dự kiến vận hành năm 2026. Khi đó, hệ thống sẽ tạo ra khoảng 28% lượng điện phục vụ cho nhà máy, đồng thời giảm phát thải gần 1,5 ngàn tấn CO2/năm.

Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách cho điện sạch

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định, Việt Nam không thiếu điện. Tuy nhiên, do các yếu tố bất lợi trong nguồn cung nguyên liệu đầu vào, triển khai dự án mới và biến đổi khí hậu nên có nơi, có lúc xảy ra khó khăn trong cung ứng điện. Trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Chính phủ đặt ra mục tiêu lớn về năng lượng tái tạo trong cơ cấu các nguồn năng lượng.

Sản xuất thép tại Công ty CP Thép VICASA - VNSTEEL (thành phố Biên Hòa), một trong những đơn vị thực hiện tốt tiết kiệm điện.
Sản xuất thép tại Công ty CP Thép VICASA - VNSTEEL (thành phố Biên Hòa), một trong những đơn vị thực hiện tốt tiết kiệm điện. Ảnh: Tư liệu

Tổng giám đốc Công ty Energy Capital Vietnam David Lewis cho rằng, tiết kiệm năng lượng và phát triển điện sạch là giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững. Đồng Nai có lợi thế là nhiều khu công nghiệp tập trung quy mô lớn. Công ty Energy Capital Vietnam sẽ hỗ trợ tỉnh giải pháp phát triển năng lượng xanh tại các khu công nghiệp nhằm 2 mục đích: có điện sạch và có thể quy đổi tín chỉ carbon để bù trừ lượng phát thải.

Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP Lê Như Linh cho biết, đơn vị đang đầu tư 2 nhà máy điện tại Đồng Nai là Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 với tổng công suất 1,5 ngàn MW. Đây là những dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu đầu tiên tại Việt Nam. Hiện dự án đã thi công đạt hơn 90%, dự kiến vận hành thương mại trong năm 2025. Khi vận hành sẽ bổ sung khoảng 9 tỷ kWh điện/năm cho hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo nguồn năng lượng xanh cho tỉnh cũng như khu vực.

Tiến sĩ Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng sạch và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho hay, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nội dung quan trọng trong chính sách phát triển năng lượng của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, sử dụng năng lượng tiết kiệm là giải pháp ưu tiên. Tuy nhiên, về lâu dài, cần đẩy mạnh phát triển các loại hình năng lượng tái tạo để đạt mục tiêu “kép” là năng lượng xanh và giảm phát thải.

Ở góc độ địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ, nhiều DN trên địa bàn tỉnh muốn lắp đặt điện mặt trời để có chứng chỉ xanh xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu giảm phát thải, tuy nhiên thủ tục triển khai dự án rất phức tạp. Tỉnh có tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà công suất lên đến 3,5 ngàn MW nhưng chỉ tiêu phân bổ tại Quy hoạch điện VIII chỉ 229 MW.

Bên cạnh những vấn đề cần tháo gỡ nêu trên, tỉnh cũng kiến nghị các bộ, ngành có văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đề cập tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13-3-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.

Hoàng Lộc - Nguyễn Hằng

Tin xem nhiều