Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành công nghiệp Đồng Nai vào cuộc đua tiết kiệm điện:
Bài 2: Doanh nghiệp “bỏ túi” hàng tỷ đồng nhờ tiết kiệm điện

Hoàng Lộc - Nguyễn Hằng
08:18, 09/08/2024

Những năm qua, cung ứng điện cho tỉnh được đảm bảo, là nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do tăng trưởng về điện cao, trong khi nhiều dự án nguồn thực hiện còn chậm so với kế hoạch nên một số khu vực bị đầy và quá tải lưới điện, ảnh hưởng đến sản xuất và thu hút đầu tư.

Sản xuất tôn, kẽm tại Công ty Tôn Phương Nam (huyện Nhơn Trạch), đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm. Ảnh: H.Lộc
Sản xuất tôn, kẽm tại Công ty Tôn Phương Nam (huyện Nhơn Trạch), đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm. Ảnh: H.Lộc

Bằng những giải pháp về quản lý, ứng dụng khoa học - công nghệ, sáng kiến sáng tạo, nhiều doanh nghiệp (DN) đã “bỏ túi” hàng tỷ đồng nhờ tiết kiệm điện (TKĐ), góp phần ổn định cung ứng điện.

Ứng dụng thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất

Xác định TKĐ đồng nghĩa với tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh, thời gian qua, Công ty Tôn Phương Nam (huyện Nhơn Trạch) đã nâng cấp thiết bị, cải tiến kỹ thuật và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiết kiệm hàng tỷ đồng tiền điện mỗi tháng.

Ông Keijio Yamamoto, Phó tổng giám đốc công ty, cho biết sản phẩm của công ty là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành nghề khác nên tính cạnh tranh lớn. Để giảm chi phí giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, công ty áp dụng nhiều giải pháp. Đó là sử dụng ánh sáng tự nhiên để giảm đèn, đối với khu vực cần đèn thì sử dụng loại TKĐ thay cho đèn halogen. Cả 3 dây chuyền sản xuất: mạ kẽm, hợp kim nhôm kẽm và mạ màu đều nhập khẩu từ Italy. Các dây chuyền tự động này sử dụng động cơ IE4 theo tiêu chuẩn quốc tế nên TKĐ khá tốt, chỉ riêng dây chuyền mạ kẽm mỗi năm tiết kiệm khoảng 4,8 triệu kWh, tương đương 28% lượng điện tiêu thụ.

Ở Công ty CP Nhựa Thiên Quốc (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) duy trì tỷ lệ TKĐ khoảng 12%, cao hơn nhiều so với yêu cầu đặt ra đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc công ty, cho biết đặc thù ngành nhựa là dùng nhiều điện, chi phí tiền điện chiếm khoảng 30% giá thành. Để tiết giảm chi phí này, công ty áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có bọc các đường ống để tránh thất thoát nhiệt, thay thế motor công suất lớn bằng motor công suất vừa đủ, đầu tư timer tự động tắt thiết bị điện khi không có người và yêu cầu kỹ thuật điện theo dõi chỉ số hàng giờ nhằm kịp thời phát hiện bất thường, tìm nguyên nhân để khắc phục.

“Trước đây, chúng tôi cần hơn 2,7 triệu kWh điện để tạo ra 1,5 triệu kg nhựa. Nay chúng tôi chỉ sử dụng hơn 2,5 triệu kWh điện nhưng tạo ra hơn 1,6 triệu kg nhựa. Tính ra mỗi kg nhựa tiết kiệm được 400 đồng” - ông Hoàng chia sẻ.

Còn tại Công ty CP TKG Taekwang Vina (hoạt động trong lĩnh vực giày da ở thành phố Biên Hòa), nhận thấy các máy may cơ có hiệu suất thấp, tốn nhiều điện, DN đã đầu tư hàng loạt máy may điện tử kết hợp gắn motor liền trục (không cần dây curoa hay đai truyền lực). Các máy may này điều khiển và lập trình tự động bằng điện tử nên tiết kiệm 70-80% điện năng so với máy may cũ, đồng thời giúp giảm 40-50% lỗi may sai, giảm 20% chi phí nhân công.
Đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh giúp DN tiết kiệm đáng kể chi phí điện năng, nhân công. Tuy nhiên, các DN nhỏ và vừa chưa làm được điều này do thiếu vốn, khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ còn hạn chế.

Sáng kiến bạc tỷ ở DN

Bên cạnh việc đầu tư thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhiều DN tận dụng nguồn lực sẵn có của mình để thực hiện TKĐ. Cụ thể, DN thông qua các phong trào như: lao động giỏi, lao động sáng tạo; phát huy sáng kiến, cải tiến trong lao động sản xuất để có những ý tưởng, giải pháp hiệu quả giúp tiết kiệm nhiên vật liệu, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm.

Là đơn vị gia công sản xuất giày cho Tập đoàn Nike nên TKĐ là yêu cầu bắt buộc đối với Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu). Ngoài các giải pháp như: chuyển sang sử dụng hoàn toàn bóng đèn LED; lắp đặt quạt thông gió, hệ thống làm mát dưới sàn ở các xưởng; thay thế máy móc cũ bằng máy mới ít tiêu hao năng lượng hơn, công ty còn đưa ra chính sách khen thưởng cho người lao động có sáng kiến làm lợi cho DN. Nhờ chính sách này, nhiều sáng kiến TKĐ ra đời.

Chị Tăng Ngọc Tiên, chủ nhân của sáng kiến giúp DN tiết kiệm hơn 40 ngàn USD/bộ phận/năm, cho biết chị làm quản lý kỹ thuật ở bộ phận Roll-CMP-Phylon. Nhận thấy các bồn chứa nhiệt thường tỏa ra lượng nhiệt lớn, vừa tốn năng lượng, vừa gây nóng cho xưởng, chị đề xuất giải pháp mua tấm bạc cách nhiệt bọc kín các bồn. Cách làm này giúp nhiệt độ nhà xưởng giảm 2-30C, lượng điện cung cấp cho bồn giảm và lượng nhiệt giữ lại trong bồn giúp máy hoạt động thêm 30 phút mà không cần điện.

“Trước cải tiến, mỗi bồn cần 456kWh điện/ngày, sau cải tiến lượng điện giảm còn 265kWh/ngày, tiết kiệm khoảng 6 ngàn USD/năm/bồn. Với 7 bồn, tiết kiệm được hơn 40 ngàn USD/năm. Tính từ thời điểm áp dụng 2018 đến nay, bộ phận Roll-CMP-Phylon tiết kiệm hơn 200 ngàn USD. Ngoài ra, các bộ phận và nhà máy khác của công ty cũng áp dụng giải pháp này nên số tiền tiết kiệm được cao hơn nhiều” - chị Tiên cho hay.

Là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm ngành thép, những năm qua, Công ty CP Thép VICASA - VNSTEEL (thành phố Biên Hòa) đã triển khai nhiều giải pháp TKĐ. Đáng chú ý, giải pháp Tối ưu hóa năng lượng nung phôi trong dây chuyền luyện cán thép của nhóm kỹ sư và công nhân, giúp tiết kiệm khoảng 500 ngàn USD tiền điện/năm.

Ở Công ty CP Dệt Texhong (huyện Nhơn Trạch), thông qua Phong trào Thi đua sáng kiến sáng tạo trong lao động sản xuất mà nhiều giải pháp, ý tưởng, sáng kiến TKĐ được áp dụng. Trong đó, sáng kiến lắp thêm biến tần vào các máy hút bụi giúp TKĐ hơn 1 tỷ đồng/tháng.

Trưởng phòng Kỹ thuật quản lý năng lượng Sở Công thương Trần Minh Đạt đánh giá, bằng các giải pháp khác nhau, nhiều DN đã và đang thực hiện khá tốt việc TKĐ. Điều này giúp DN giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu, góp phần giảm khí thải ra môi trường. Để hỗ trợ các DN, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch với các giải pháp cụ thể. Trong đó, có hỗ trợ DN kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, tập huấn giải pháp giảm tiêu hao năng lượng trong các ngành sử dụng điện lớn.

Hoàng Lộc - Nguyễn Hằng

Bài cuối: Phát triển năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất

Tin xem nhiều