Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai và 4 làn sóng đầu tư FDI

Ngọc Liên
08:53, 30/08/2024

Hơn 30 năm thu hút các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Đồng Nai đã đón những làn sóng đầu tư tương ứng với từng giai đoạn và những chiến lược thu hút hiệu quả nhất.

Dây chuyền sản xuất công nghệ cao tại Công ty CP Chính xác Việt Nam (VPIC, Đài Loan) ở huyện Trảng Bom. Ảnh: N.LIÊN
Dây chuyền sản xuất công nghệ cao tại Công ty CP Chính xác Việt Nam (VPIC, Đài Loan) ở huyện Trảng Bom. Ảnh: N.LIÊN

Tính từ thời điểm Đồng Nai đón dòng vốn FDI đầu tiên vào năm 1989, ngành công nghiệp Đồng Nai đã tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng. Đến thời điểm hiện tại, thu hút FDI của Đồng Nai đang theo xu hướng phát triển chung của thế giới là chọn lọc dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, giá trị gia tăng cao theo chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững.

Những “cú nhảy vọt” trong thu hút FDI

Làn sóng thu hút FDI đầu tiên vào Đồng Nai là giai đoạn những năm đầu 1990. Khi đó, ngành công nghiệp Đồng Nai có những bước phát triển ấn tượng với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân luôn đạt trên 18%/năm. Nổi bật nhất là những năm 1991-1995, thời điểm này, Đồng Nai đón làn sóng đầu tư FDI ồ ạt với những “ông lớn” như: Tập đoàn Cargill của Hoa Kỳ, Tập đoàn C.P của Thái Lan, các doanh nghiệp sản xuất đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Làn sóng đầu tư này đã giúp cho ngành công nghiệp Đồng Nai phát triển vượt bậc, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 33%/năm.

Sau đợt thu hút FDI đầu tiên thành công, Đồng Nai tiếp tục trở thành điểm đến của hàng loạt doanh nghiệp FDI những năm 1996-2005. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng doanh nghiệp FDI đã giúp Đồng Nai trở thành nơi cung ứng số lượng hàng hóa lớn cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là giai đoạn không chỉ thu hút FDI, mà còn thu hút một số lượng lớn người nhập cư từ các tỉnh, thành trong cả nước đến Đồng Nai sinh sống, lao động trong các công ty, kéo theo nhiều dịch vụ phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân phát triển.

Để nâng cao chất lượng thu hút FDI, giai đoạn 2006-2015, Đồng Nai chuyển hướng sang thu hút các dự án công nghiệp chất lượng, hướng đến phát triển bền vững. Từ giai đoạn này, tỉnh đã có chủ trương không thu hút các dự án gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng nhiều lao động. Điểm nhấn của giai đoạn này là Chương trình Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015, nhằm tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và có giá trị gia tăng cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đến Đồng Nai giai đoạn này bao gồm: Tập đoàn Formosa của Đài Loan, Tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc, Tập đoàn SMC Manufacturing của Nhật Bản… Giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Đồng Nai tăng trung bình từ 13-14%/năm. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đạt trên 14,5 tỷ USD, đứng thứ 4 cả nước.

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, đến ngày 20-8, thu hút đầu tư FDI của Đồng Nai đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Đồng Nai cấp mới 61 dự án với tổng vốn đăng ký trên 640 triệu USD; 74 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung gần 449 triệu USD. Các dự án tập trung chủ yếu trong các KCN. Đến nay, Đồng Nai có trên 1,6 ngàn dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 35 tỷ USD.

Hướng đến làn sóng đầu tư mới

Bước qua giai đoạn từ năm 2016-2023, thu hút FDI của Đồng Nai trải qua những thăng trầm, đối mặt với nhiều thử thách do yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và đầu tư, từ năm 2017-2023, Đồng Nai liên tục tăng trưởng trong thu hút FDI. Trong 6 năm, dù bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19 nhưng thu hút FDI vẫn đạt kết quả đáng ghi nhận với trên 9,5 tỷ USD. Các dự án chủ yếu tập trung vào các KCN. Số lao động làm việc trong các KCN là 566 ngàn người. Các doanh nghiệp FDI đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh.

Chia sẻ về môi trường đầu tư tại Đồng Nai, Tổng giám đốc ngành dinh dưỡng vật nuôi của Cargill Thái Lan & Việt Nam (thuộc Tập đoàn Cargill của Hoa Kỳ) Phạm Đức Thắng cho biết, Đồng Nai là điểm đến đầu tiên của Tập đoàn Cargill tại Việt Nam. Sau khi đầu tư vào Đồng Nai thành công, Cargill đã mở rộng ra cả nước. Hơn 30 năm đầu tư vào Đồng Nai, Cargill đã nhận được nhiều hỗ trợ của tỉnh trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Vì thế, Cargill có nhiều lần tăng vốn đầu tư vào tỉnh.

Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, các dự án mới của nhà đầu tư thời gian qua đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapre… Để cấp giấy chứng nhận đầu tư, các sở, ban, ngành rà soát kỹ hồ sơ, chọn lọc những dự án có các yếu tố sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến, chất bán dẫn…

Tuy nhiên, theo ông Nguyên, việc triển khai áp dụng các quy định pháp luật và các văn bản dưới luật để giải quyết thủ tục đầu tư vào Đồng Nai hiện nay còn gặp một số vướng mắc, nhất là các dự án liên quan đến bất động sản, dự án khoáng sản, khai thác mỏ… Hiện nay, Đồng Nai đang tập trung tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn trong thu hút FDI để tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công khai thông tin các danh mục kêu gọi đầu tư, đồng thời chủ động xúc tiến đầu tư đến một số quốc gia có tiềm năng để tìm kiếm những doanh nghiệp bảo đảm các tiêu chí mà tỉnh đề ra.

Đồ họa thể hiện kết quả thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Đồng Nai trong 8 tháng của năm 2024 theo số liệu từ Sở Kế hoạch và đầu tư. (Thông tin: Ngọc Liên - Đồ họa: Hải Hà)

Nhận định về những kết quả và chiến lược thu hút FDI của Đồng Nai thời gian tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh, trước những năm 2000, các tỉnh đều không chú ý đến các dự án có chọn lọc, chủ yếu chú trọng đến tạo việc làm. Giai đoạn sau, thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, quỹ đất công nghiệp của tỉnh không còn nhiều cũng ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong các khu công nghiệp còn chậm nên không có đất xây dựng hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp thuê.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng: thống nhất mức giá, vận động người dân đồng tình thực hiện các chủ trương phát triển của tỉnh…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cũng cho biết, để tăng cường thu hút FDI, tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI phát triển, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh do lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ thúc đẩy việc thành lập thêm các KCN mới để kịp thời bổ sung quỹ đất công nghiệp cho tỉnh trong thời gian tới.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều