Đồng Nai có lợi thế phát triển những vùng chuyên canh cây ăn trái lớn, trong đó có nhiều đặc sản trái cây ngon. Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mô hình du lịch vườn, du lịch sinh thái.
Du khách đến vui chơi, chụp hình lưu niệm tại một nhà vườn ở xã Bình Lộc (thành phố Long Khánh) vào mùa trái cây hè. Ảnh: B.Nguyên |
Ngành nông nghiệp tỉnh tập trung hỗ trợ nông dân trồng cây ăn trái ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, cho năng suất, chất lượng cao. Đây là lợi thế để phát triển mô hình du lịch vườn, du lịch sinh thái, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Không chỉ làm dịch vụ theo mùa
Hiện các loại cây ăn trái đang đứng tốp đầu cho hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, nhiều địa phương trên địa bàn Đồng Nai không ngừng tăng nhanh về diện tích cây ăn trái.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh, Đồng Nai tập trung xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cả ở thị trường trong nước, cũng như khi tham gia thị trường xuất khẩu. Đến nay, khi đã phát triển được diện tích cây ăn trái lớn, tỉnh không chỉ chú trọng tăng diện tích mà còn đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu, gia tăng giá trị qua việc xây dựng, nhân rộng các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, phát triển bền vững.
Trước đây, những vùng trái cây ngon trên địa bàn tỉnh thường thu hút du khách đến vui chơi vào mùa trái cây hè. Mô hình du lịch vườn thường chỉ là dịch vụ theo mùa, chủ yếu tập trung vào vụ trái cây hè và một số dịp lễ, Tết. Khi thấy hiệu quả của mô hình này, nhiều địa phương tập trung phát triển du lịch vườn, du lịch sinh thái.
Đến nay, nhiều vùng đặc sản trái cây ngon trên địa bàn tỉnh đã được sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Toàn tỉnh có hơn 3 ngàn hécta cây trồng chủ lực đạt chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt. |
Dựa vào lợi thế các vùng đặc sản trái cây ngon, nhiều địa phương của tỉnh đang tập trung phát triển mô hình du lịch vườn, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nông dân để hình thành nên những “làng du lịch vườn” thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách. Dịch vụ du lịch vườn ngày càng đuợc đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, phục vu du khách quanh năm chứ không còn mang tính thời vụ như trước.
Xã Bình Lộc (thành phố Long Khánh) là một trong những điểm hẹn lý tưởng với du khách gần xa về thưởng thức các loại đặc sản trái cây hè. Có thể nói, đây là mô hình điểm của tỉnh trong việc xây dựng thành công làng du lịch vườn kiểu mẫu. Với xuất phát điểm từ vài nhà vườn làm du lịch, địa phương này hiện đã thu hút được hơn 90 nhà vườn tham gia mô hình du lịch sinh thái vườn. Nhiều cơ sở du lịch tại địa phương đã liên kết lại hình thành Tổ hợp tác Dịch vụ tham quan vườn Bình Lộc để tổ chức các dịch vụ du lịch vườn ngày càng chuyên nghiệp, bài bản hơn. Điều thú vị khi đến nhà vườn, du khách không chỉ thưởng thức đặc sản trái ngon và ẩm thực vùng quê, mà còn được trải nghiệm cuộc sống nơi miệt vườn, tìm hiểu quy trình canh tác để tạo niềm tin được sử dụng sản phẩm an toàn, chất lượng.
Không chỉ thành phố Long Khánh mà các địa phương khác có lợi thế về phát triển cây ăn trái ngon như: Tân Phú, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Long Thành… cũng đang phát triển mạnh mô hình du lịch vườn. Một số làng du lịch sinh thái được đầu tư bài bản, khai thác du lịch quanh năm chứ không chỉ giới hạn vào một mùa vụ nào trong năm. Các mô hình du lịch vườn từ đó dần trở thành mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Tăng lợi nhuận cho nông dân
Nói về hiệu quả của mô hình du lịch vườn, chủ Cơ sở Du lịch Cây Xanh Garden (tại xã Bình Lộc, thành phố Long Khánh) Mai Tường Duy chia sẻ: “Tôi đầu tư tiền tỷ để cải tạo vườn cây ăn trái gần 1 hécta thành mô hình du lịch sinh thái vườn. Nhà vườn chuyển đổi sang canh tác hữu cơ để tạo môi trường trong lành, sản phẩm an toàn phục vụ du khách”. Với mô hình mới này, trái cây trong vườn được khai thác bán trực tiếp cho du khách mà không qua trung gian nên lợi nhuận của nhà vườn tăng lên.
Chủ Vườn hoa Bốn Mùa ở xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) Văn Thành Toàn cho hay: “Tuy điểm nhấn của khu du lịch là sự đa dạng, độc đáo của các mùa hoa nhưng chúng tôi cũng đầu tư trồng thêm các vườn cây ăn trái; đa dạng về ẩm thực để phục vụ du khách. Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là mở rộng liên kết với các nhà vườn tại địa phương; hình thành chuỗi dịch vụ khép kín từ tham quan, ăn uống, cung cấp các đặc sản du lịch để gia tăng giá trị cho các mô hình nông nghiệp tại địa phương”.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, huyện Long Thành đang thu hẹp dần diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, diện tích cây ăn trái cũng không còn nhiều như trước. Tuy nhiên, Long Thành lại nổi tiếng về chất lượng trái cây ngon với nhiều đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng như: dâu da An Phước, bòn bon, mít tố nữ, sầu riêng... Đây là lợi thế để địa phương này thu hút phát triển mô hình du lịch vườn.
Ông Trần Thanh Tùng, nông dân sản xuất giỏi tại xã Bình Sơn (huyện Long Thành), chia sẻ thực hiện chương trình nông thôn mới, các xã vùng sâu được đầu tư về cơ sở hạ tầng, đường giao thông khang trang, rộng rãi về tận vùng sản xuất khiến nhiều nhà vườn tại các xã Bình An, Bình Sơn mạnh dạn đầu tư làm mô hình du lịch vườn. Khai thác lợi thế về thổ nhưỡng trồng được nhiều đặc sản trái cây ngon, nhiều nông dân tại các địa phương này vừa khai thác những vườn đặc sản sẵn có (như các giống sầu riêng hạt lép, các vườn măng cụt, bòn bon), vừa đầu tư vốn lớn trồng thêm các giống cây mới. Đặc biệt, nhiều nhà vườn trồng thêm giống sầu riêng Musang King có nguồn gốc từ Malaysia để đa dạng đặc sản thu hút du khách về thưởng thức.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin