Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp xuất khẩu làm sản phẩm OCOP

Bình Nguyên
07:25, 15/08/2024

Sau đại dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản chế biến gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất chuyên làm hàng xuất khẩu chuyển hướng quay về “sân nhà”. Trong đó, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được DN quan tâm vì có ý nghĩa lớn trong xây dựng thương hiệu, tạo lòng tin với người tiêu dùng trong nước.

Đại diện Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nga Biên (huyện Xuân Lộc) giới thiệu các sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều cung cấp ra thị trường nội địa.
Đại diện Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nga Biên (huyện Xuân Lộc) giới thiệu các sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều cung cấp ra thị trường nội địa. Ảnh:B.Nguyên

Theo đó, nhiều địa phương tập trung hỗ trợ cho các chủ thể OCOP nâng chất sản phẩm, góp phần xây dựng được những sản phẩm thế mạnh, đặc thù của địa phương.

Quay về “sân nhà”

Năm 2024, DN chế biến nông sản xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân, giá nhiều loại nông sản nguyên liệu như: điều, cà phê, tiêu, trái cây... tăng cao. Bên cạnh đó, chi phí logistics tăng liên tục và không có dấu hiệu hạ nhiệt càng chồng chất thêm gánh nặng cho DN. Theo đó, nhiều DN làm hàng xuất khẩu quay về tìm cơ hội ngay tại “sân nhà”.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nga Biên (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) Tô Thị Nga cho biết, vài năm trở lại đây, ngành xuất khẩu nhân điều trắng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí liên tục thua lỗ và nhiều rủi ro khác. Đặc biệt, vài tháng trở lại đây, giá hạt điều nguyên liệu tăng đột biến, cao gấp đôi so với trước. Giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng cao trong khi các đối tác xuất khẩu không chấp nhận điều chỉnh giá tăng theo thị trường nên DN hầu như không dám nhận đơn hàng.

Thời gian qua, Đồng Nai có nhiều hoạt động hỗ trợ cho các chủ thể OCOP quảng bá sản phẩm, mở rộng các kênh tiêu thụ. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai các điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP, kết nối với nhiều hội nghị xúc tiến cung - cầu cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia. Các chủ thể OCOP còn được hỗ trợ tham gia quảng bá, bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Theo đó, trước đây DN chuyên sơ chế nhân điều trắng xuất khẩu thì nay đầu tư xưởng sản xuất, dây chuyền chế biến sâu các mặt hàng hạt điều cung cấp cho thị trường nội địa. Quan điểm của DN khi tiếp cận thị trường nội địa là làm những sản phẩm chất lượng tốt cung cấp ra thị trường. Hiện DN có hơn 20 sản phẩm chế biến sâu gồm: hạt điều rang muối, hạt điều tẩm các loại gia vị, các loại bánh hạt...

Cùng quan điểm, ông Giang Đình Thìn, đại diện Công ty TNHH Yến sào Giang Hoàng Yến (tại xã Phú Vinh, huyện Định Quán) cho hay, xuất khẩu sản phẩm tổ yến năm nay tăng nhưng giá trị lại giảm hơn mọi năm do áp lực cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn. Trong khi đó, mặt hàng mang lại sức khỏe này ngày càng được người tiêu dùng trong nước quan tâm. Thị trường tiêu thụ nội địa vẫn rất giàu tiềm năng. Theo đó, DN chú trọng đầu tư nhãn hàng, bao bì, đa dạng sản phẩm yến khô, yến đã qua chế biến cung cấp ra thị trường.

Quan tâm xây dựng thương hiệu

Nhiều DN xuất khẩu nông sản chế biến quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh chủ yếu xuất nguyên liệu hoặc làm hàng gia công với giá thấp. Sản phẩm được các nhà nhập khẩu chế biến sâu, đóng gói, lấy thương hiệu của họ để bán đến tay người tiêu dùng với giá trị cao.

Bà Tô Thị Nga cho biết thêm, trước đây DN chỉ xuất nguyên liệu hoặc làm ra sản phẩm theo dạng gia công cho các đơn vị khác nên trên sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng không có thông tin về DN. Hiện nay, DN làm nhãn hàng với đầy đủ thông tin giới thiệu đến người tiêu dùng. Với mong muốn tăng độ nhận diện về sản phẩm với người tiêu dùng trong nước, DN đăng ký tham gia làm sản phẩm OCOP.

Đồng Nai có nhiều loại nông sản có chất lượng cao, số lượng lớn nên rất thuận lợi để tham gia sản phẩm OCOP. Đây là một trong những cách để đưa nông sản đến với người tiêu dùng trong nước tốt hơn và hướng đến xuất khẩu.

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (huyện Cẩm Mỹ) Trương A Vùng nhận xét, sầu riêng mỗi năm chỉ có một vụ thu hoạch. Khi làm sầu riêng đông lạnh, người tiêu dùng có thể thưởng thức đặc sản này quanh năm. Người tiêu dùng Việt Nam rất thích ăn sầu riêng nên thị trường nội địa cũng là kênh tiêu thụ còn giàu tiềm năng cho sản phẩm sầu riêng cấp đông. Theo đó, DN tham gia làm OCOP, sản phẩm sầu riêng múi cấp đông của DN đã đạt chuẩn OCOP 4 sao. Chứng nhận này góp phần khẳng định uy tín về chất lượng của sản phẩm với người tiêu dùng trong nước.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều