Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu tư cho chế biến, bảo quản nông sản

Hải Quân
07:20, 28/08/2024

Nhiều loại nông sản, trái cây của Đồng Nai như: xoài, bưởi, chôm chôm, thanh long, chuối, sầu riêng… có sản lượng, chất lượng khá cao và ngày càng được sản xuất theo quy trình an toàn.

Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp chế biến nông sản tại huyện Trảng Bom.
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp chế biến nông sản tại huyện Trảng Bom. Ảnh:H.Quân

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, để nâng cao giá trị, hướng tới việc xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường tiềm năng, bên cạnh việc duy trì chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn, phát triển các kênh kết nối giao thương, dịch vụ logistics nông nghiệp thì đầu vào chế biến sâu, kho lạnh để bảo quản các loại nông sản cũng rất cần thiết và cấp bách.

Góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu

Đồng Nai có các sản phẩm nông nghiệp đa dạng và có khả năng xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa nông sản lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Một số mặt hàng về chăn nuôi, trái cây của Đồng Nai chiếm tỷ trọng đáng kể trong nông nghiệp cả nước, được xuất khẩu qua nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, để hướng tới xuất khẩu bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu cho các loại nông sản thế mạnh trên địa bàn thì việc phát triển các loại hình dịch vụ logistics nông nghiệp, đầu tư hệ thống kho lạnh, trung tâm chế biến sâu là một trong những giải pháp quan trọng.

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) tiêu thụ khoảng 300-400 tấn nông sản mỗi ngày. Dự kiến giai đoạn 2 của chợ sẽ mở rộng diện tích thêm 48 hécta, có kho lạnh bảo quản và sẽ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, thủy - hải sản.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc) Đặng Thị Thúy Nga cho biết, trong thời gian qua, HTX đã chủ động đảm bảo các tiêu chuẩn trong sản xuất để hướng tới các thị trường xuất khẩu sầu riêng và một số loại nông sản sang Trung Quốc, Nhật Bản… Tuy nhiên, số lượng xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn. Trong thời gian tới, HTX chú trọng, quan tâm tới hoạt động sấy, chế biến sâu đối với các loại trái cây như: sầu riêng, chôm chôm, mít… để nâng cao giá trị cạnh tranh cho nông sản địa phương.

Tương tự, tại Hội nghị Kết nối giao thương các doanh nghiệp, nhà cung cấp, hệ thống phân phối của Đồng Nai với một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra vào đầu tháng 8-2024, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (huyện Trảng Bom) Lý Minh Hùng cho hay, hiện vùng liên kết sản xuất chuối của HTX đã mở rộng diện tích tới 700 hécta. Bên cạnh thị trường nội địa, HTX cũng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, trung bình mỗi tháng HTX xuất khoảng 12 container chuối xuất khẩu. HTX quan tâm, hướng tới phát triển công nghệ về chế biến, cấp đông nông sản để nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối, bán lẻ lớn trên cả nước, cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cần đầu tư đồng bộ

Thực tế hiện nay, sản xuất nông sản ở Đồng Nai có nguồn cung khá dồi dào nhưng đầu ra lại bấp bênh. Một số nông sản xuất khẩu vẫn còn lệ thuộc vào một vài thị trường, dẫn đến mức độ rủi ro cao. Vì thế, việc tìm kiếm, mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu và đầu tư vào chế biến sâu, bảo quản nông sản sẽ giúp cho sản xuất nông nghiệp của địa phương phát triển ổn định và bền vững.

Tỉnh đã chọn 2 cụm công nghiệp: Phú Túc (huyện Định Quán) và Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) để thí điểm đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai, phát triển các cụm công nghiệp này vẫn còn gặp những khó khăn, tồn tại…

Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Công thương về tình hình phát triển công nghiệp - thương mại trên địa bàn, UBND huyện Cẩm Mỹ đã kiến nghị một số nội dung liên quan đến tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất, mời gọi, thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp Long Giao. Qua đó, hướng tới nâng cao hiệu quả, năng lực chế biến, sản xuất nông sản cho địa phương,
khu vực.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển các cụm công nghiệp về chế biến nông sản, hiện nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn có thêm các trung tâm, kho lạnh đủ điều kiện với quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu về kho lạnh, bảo quản nông sản ngày càng lớn trên địa bàn.

Ông Lý Minh Hùng chia sẻ, HTX mong muốn địa phương hỗ trợ, kêu gọi đầu tư trung tâm, kho đông lạnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết hiện nay. Đơn cử, kho lạnh của HTX hiện chỉ đủ để bảo quản khoảng 200 tấn hàng hóa trong vòng 10 ngày, số lượng hàng còn lại lưu kho, chờ xuất khẩu thì chưa có. Nếu nhân rộng ra nhiều doanh nghiệp, đơn vị thì số lượng hàng hóa cần cấp đông, bảo quản rất lớn. Do đó, để nâng cao năng lực xuất khẩu, việc đầu tư phát triển các dịch vụ kho lạnh, trung tâm chế biến nông sản là rất cần thiết, tránh tình trạng từng doanh nghiệp đầu tư manh mún, thiếu tính đồng bộ…

Bà Đặng Thị Thúy Nga bày tỏ: “Sản phẩm sầu riêng của HTX được nhiều bạn hàng, đối tác đánh giá cao về chất lượng. Bên cạnh việc đáp ứng về sản xuất nông nghiệp sạch, các tiêu chuẩn về an toàn, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, HTX mong muốn có thêm sự hỗ trợ từ địa phương về quỹ đất, nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống chế biến nông sản, kho cấp đông… Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cho nông sản địa phương, cũng như năng lực xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng”.

Hải Quân

Tin xem nhiều