Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass. |
Đồng Nai được xem là trung tâm chế biến, xuất khẩu cà phê lớn của Việt Nam. Một số thương hiệu chế biến cà phê lớn của thế giới đã đầu tư nhà máy sản xuất ở Đồng Nai. Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass, hiện Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, trong đó có một phần đóng góp của Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, doanh nghiệp (DN) Thụy Sĩ và Đồng Nai.
Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thomas Gass về việc hợp tác giữa Thụy Sĩ với Việt Nam. Trong đó có hợp tác với Đồng Nai để mở rộng đầu tư trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chế biến cà phê xuất khẩu để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cà phê trên thị trường quốc tế.
Thiết lập quan hệ hơn nửa thế kỷ
* Thưa ông, Việt Nam và Thụy Sĩ đã có hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hiện Thụy Sĩ đã đầu tư vào Việt Nam gần 2 tỷ USD, so với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam có những lợi thế, hạn chế gì?
- Theo tôi, Việt Nam có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư từ Thụy Sĩ, cũng như các nước khác trên thế giới. Hiện nay, Thụy Sĩ là nước có vốn đầu tư đứng thứ 10 tại khu vực Đông Nam Á, nhưng đầu tư ở Việt Nam mới chỉ đứng thứ 22. Tôi cho rằng, con số trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên nên vẫn còn nhiều dư địa để DN Thụy Sĩ đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực. Do đó, thời gian tới, Đại sứ quán Thụy Sĩ sẽ là đầu mối giúp kết nối, hỗ trợ DN hai bên để mở rộng đầu tư và giao thương giữa 2 quốc gia.
Hơn 4 năm qua, kinh tế toàn cầu suy thoái do dịch bệnh, xung đột ở một số nơi trên thế giới nhưng Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng khá và trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của thế giới. Điều này giúp cho các DN Thụy Sĩ cũng như DN nước ngoài khác đầu tư vào Việt Nam an tâm hơn. Đây cũng là lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các DN cũng mong Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những cải cách, đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho việc đầu tư, triển khai các dự án.
* Các DN Thụy Sĩ đã đầu tư vào Đồng Nai 8 dự án với tổng vốn đầu tư trên 861 triệu USD. Theo ông, có nhiều DN Thụy Sĩ quan tâm đến môi trường đầu tư của Đồng Nai hay không?
- Đồng Nai là điểm đến được nhiều DN Thụy Sĩ quan tâm và thời gian tới, sẽ có nhiều DN đến tỉnh đầu tư. Điển hình, Tập đoàn Nestlé đã đầu tư vào tỉnh khoảng 30 năm. Thời gian qua, Nestlé Việt Nam liên tục mở rộng đầu tư tại Đồng Nai. Cụ thể, năm 2023, Nestlé Việt Nam tăng vốn ở Đồng Nai thêm 100 triệu USD, năm 2024 thêm hơn 100 triệu USD và năm 2025 dự tính sẽ tăng thêm 100 triệu USD. Các nhà máy đều ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất tuần hoàn, giảm phát thải. Cũng giống như ở Việt Nam, tại Thụy Sĩ có nhiều DN vừa và nhỏ, do đó khi đầu tư ra nước ngoài thường theo hình thức hợp tác với đối tác khác để cùng phát triển sản xuất,
kinh doanh.
Đồng Nai cũng là tỉnh đi đầu trong việc chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp xanh, bền vững. Đây là xu hướng chung của thế giới, các DN Thụy Sĩ tại Đồng Nai cũng nhiệt tình tham gia.
* Đồng Nai đang mời gọi các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, thương mại dịch vụ, logistics, năng lượng… Không biết, DN Thụy Sĩ quan tâm đến lĩnh vực nào nhiều hơn?
- Thụy Sĩ có thế mạnh về đổi mới sáng tạo, công nghiệp chính xác, công nghệ cao. Đơn cử như Tập đoàn Nestlé đã đầu tư vào Đồng Nai chuyên về lĩnh vực nông nghiệp, chế biến công nghệ cao. Do đó, sau chuyến làm việc với Đồng Nai, nắm rõ mọi chủ trương, chính sách của tỉnh trong thu hút đầu tư, tôi sẽ thông tin lại cho các DN Thụy Sĩ đang có nhu cầu liên kết, hợp tác đầu tư tại Việt Nam biết. Để qua đó các DN có thể tìm lĩnh vực hợp tác đầu tư phù hợp. Cụ thể, gần đây đã có DN Thụy Sĩ trở thành nhà cung cấp nguyên liệu, thiết bị cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Như tôi đã nói ở trên, DN Thụy Sĩ có thế mạnh về công nghiệp chính xác, công nghệ cao nên đây sẽ là những lĩnh vực DN muốn đầu tư vào tỉnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass. |
Góp sức cho Việt Nam trong xuất khẩu cà phê
* Khi làm việc với Đồng Nai, ông từng chia sẻ, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới là có sự hỗ trợ, góp sức của Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam và DN Thụy Sĩ. Ông có thể cho biết rõ hơn về quá trình góp sức này?
- Mấy năm gần đây, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Brasil. Cà phê Việt Nam đã chuyển dần từ xuất thô sang chế biến sâu rồi mới xuất khẩu. Việc này giúp cho ngành cà phê Việt Nam từng bước gia tăng được giá trị. Trong đó có sự góp sức của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam. Mỗi năm, DN này mua cà phê của nông dân Việt Nam từ
700-900 triệu USD và đưa vào chế biến, xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với dây chuyền sản xuất hiện đại, Nestlé Việt Nam đã góp phần nâng giá trị cho chuỗi sản phẩm cà phê của Việt Nam trong những năm qua. Đồng thời, ngày càng khẳng định được vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Về phía Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, trong những năm qua, chúng tôi luôn tạo điều kiện, hỗ trợ DN trong sản xuất, xuất khẩu và quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam.
* Nhiều DN rất chờ đợi Diễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh (GEFE 2024). Ông có thể cho biết thêm là thời gian tới, thông qua diễn đàn trên, Thụy Sĩ nói riêng và EuroCham nói chung, sẽ có những chính sách kết nối, hỗ trợ DN nhỏ và vừa như thế nào trong tiến trình hướng đến tăng trưởng xanh?
- GEFE 2024 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10-2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Diễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh sẽ là nơi để các DN, chuyên gia của Việt Nam và thế giới tham dự để chia sẻ kinh nghiệm về quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam đang theo “dòng chảy” của toàn cầu là phát triển xanh, tuần hoàn, giảm dần phát thải, tiến đến net zero vào năm 2050.
Tại GEFE 2024, Thụy Sĩ sẽ có một gian hàng với sự tham gia của một số DN Thụy Sĩ. Tôi hy vọng lãnh đạo, DN Đồng Nai sẽ đến tham quan gian hàng của chúng tôi.
* Thụy Sĩ có nhiều kinh nghiệm trong chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái. Ông có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm với Đồng Nai?
- Chính phủ Thụy Sĩ đã có chương trình phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam để hỗ trợ chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái. Một trong những hoạt động đó là chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng tái tạo, chuyển đổi số trong sản xuất để tiết kiệm nguyên liệu, sử dụng nguyên liệu tái chế, giảm thâm dụng lao động, ít phát thải, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hiện tại và trong tương lai, Thụy Sĩ sẽ luôn sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam cũng như các DN tại Việt Nam về quá trình chuyển đổi số để sản xuất xanh, hướng đến phát triển bền vững.
* Xin cảm ơn ông!
Hương Giang - Ngọc Liên (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin