Báo Đồng Nai điện tử
En

Cung ứng nguyên liệu chuẩn xuất xứ ngành gỗ

Vương Thế
07:00, 22/08/2024

Vốn là giám đốc doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu, ông Phạm Văn Sinh đã quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực cung ứng gỗ nguyên liệu cho các DN trực tiếp sản xuất. Theo ông Sinh, để phát triển bền vững, ngành gỗ phải đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp của nguyên liệu đưa vào chế biến, sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường thế giới.

Ông Phạm Văn Sinh (trái), Giám đốc Công ty CP Gỗ Lido, kiểm tra gian hàng của công ty được trưng bày tại một hội chợ về máy móc và nguyên liệu gỗ tổ chức ở tỉnh Bình Dương đầu tháng 8-2024.
Ông Phạm Văn Sinh (trái), Giám đốc Công ty CP Gỗ Lido, kiểm tra gian hàng của công ty được trưng bày tại một hội chợ về máy móc và nguyên liệu gỗ tổ chức ở tỉnh Bình Dương đầu tháng 8-2024. Ảnh: V.THẾ

Công ty CP Gỗ Lido (Lido Wood, ở huyện Trảng Bom) của ông Sinh hiện là một trong những nhà cung ứng gỗ nguyên liệu nhập khẩu lớn của Đồng Nai, hướng tới tốp đầu khu vực Đông Nam Bộ. Công ty đang nỗ lực kết nối với các DN cùng ngành nghề để kiến tạo nên hệ sinh thái sản xuất gỗ của Đồng Nai.

Chuyển từ sản xuất sang cung ứng nguyên liệu

Khi đang quản lý DN chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ, ông Sinh nhận thấy một trong những hạn chế của ngành gỗ trên địa bàn tỉnh là gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất. Đặc biệt là nguyên liệu chuẩn nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vấn đề hợp pháp. Trong khi nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước ít và không đủ chất lượng thì các nhà máy sản xuất thường phải nhập khẩu các loại gỗ từ nhiều nước trên thế giới để về chế biến rồi xuất khẩu mặt hàng thành phẩm.

Kiểm soát đầu vào từ gỗ nguyên liệu nhập khẩu là vấn đề các DN nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau rất quan tâm. Trong đó có nhiều quốc gia tại những vùng địa lý không tích cực thường có gian lận về nguồn gốc. Điều này ảnh hưởng lớn đến đồ gỗ nội thất xuất khẩu của Việt Nam, vì có thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Bắc Á, những thị trường thuộc khu vực phát triển vốn đặt ra các yếu tố bền vững, bảo vệ sinh thái lên hàng đầu.

Ngành gỗ đang có đà tăng trưởng ổn định dần, các DN sẽ có thêm đơn hàng. Để phục hồi bền vững, DN gỗ Đồng Nai cần chú tâm hơn về đầu tư, về máy móc, phát triển những dòng sản phẩm phù hợp xu hướng, bắt nhịp với xu thế tiêu dùng mới.

Từ thực tiễn thị trường, năm 2010, ông Sinh thành lập Lido Wood nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ chuẩn hợp pháp cho các DN trong ngành. Công ty nhập khẩu gỗ trực tiếp từ Mỹ, châu Âu với các chủng loại như  sồi, tần bì, óc chó, thông, dẻ gai, bạch dương...

“Với DN của tôi, niềm tin của khách hàng về chất lượng cũng như dịch vụ được ưu tiên hàng đầu trong tiêu chí hoạt động. Phương châm trong kinh doanh của chúng tôi là tạo niềm tin, nhận giá trị. Do đó, mọi hoạt động của chúng tôi đều hướng tới chữ tín, niềm tin của khách hàng” - ông Sinh chia sẻ.

Tiêu chí ông Sinh đặt ra cho DN của mình là chỉ cung cấp các loại gỗ có chứng chỉ hợp pháp, chất lượng đạt tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu. Theo ông, với các đối tác thì có khái niệm mua hàng số lượng ít hay nhiều. Mọi khách hàng, mọi số lượng từ mua lẻ, mua kiện và mua container đều được DN phục vụ với giá thành, dịch vụ và chất lượng như nhau và cố gắng trong thời gian nhanh nhất. Để phát triển lâu dài, Lido Wood đang nỗ lực nâng chất lượng đội ngũ nhân sự, trẻ hóa đội hình.

“Chúng tôi hướng tới trở thành nhà nhập khẩu gỗ và cung ứng nguyên liệu đứng tốp 5 ở Đồng Nai, mở rộng đối tác, khách hàng ra toàn quốc nên việc đào tạo đội ngũ nhân sự trẻ, am hiểu thị trường là rất cần thiết” - ông Sinh cho biết thêm.

Liên kết để xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất

Cùng với việc lựa chọn kỹ càng nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu hợp pháp, đầy đủ hồ sơ, để mở rộng thị trường tiêu thụ, Lido Wood cũng tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của ngành gỗ trong và ngoài nước. Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, trưng bày gian hàng, nhất là khi có sự tham gia của các DN, đối tác quốc tế, các mặt hàng cũng như kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Lido Wood sẽ có nhiều cơ hội được giới thiệu, quảng bá và tìm kiếm sự hợp tác.

Công nhân kiểm tra sản phẩm tại kho hàng của Công ty CP Gỗ Lido (huyện Trảng Bom).
Công nhân kiểm tra sản phẩm tại kho hàng của Công ty CP Gỗ Lido (huyện Trảng Bom). Ảnh:V.Gia

Đối với ngành gỗ hiện nay, ông Sinh nhận định đây là thời điểm hoạt động sản xuất, chế biến gỗ đang dần hồi phục. Đó cũng là cơ hội để các DN gỗ nguyên liệu gia tăng sản lượng cung ứng ra thị trường, dù vậy, thách thức vấn còn nhiều.

Ngoài điều hành DN của mình, ông Sinh còn là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa). Việc tập trung mọi nguồn lực, kết nối hội viên để thúc đẩy, phát triển ngành gỗ bền vững là nhiệm vụ quan trọng mà hiệp hội đang thúc đẩy. Đây cũng là nhiệm vụ để xây dựng “hệ sinh thái” cho sản xuất, chế biến gỗ mà Đồng Nai đang hướng tới.

Theo ông Sinh, thời gian qua, Dowa đã nỗ lực kết nối các nhà cung ứng nguyên liệu với các nhà sản xuất qua nhiều hoạt động. Chợ đầu mối đồ gỗ Hố Nai được thành lập; đồng thời ký kết hợp tác với các lâm trường, người trồng rừng trong tỉnh và trong nước để xây dựng nguyên liệu nội địa, thành lập trung tâm phân phối nguyên liệu gỗ nhập... Dowa đang phối hợp với các đơn vị liên quan trong đào tạo nhân lực, chuẩn bị quỹ đất xây dựng khu sản xuất tập trung... nhằm hướng tới xây dựng thương hiệu cho ngành gỗ Đồng Nai.

Vương Thế

Tin xem nhiều