Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội dệt may trở lại vị trí thứ 2 thế giới

07:06, 13/08/2024

Vào năm 2020, ngành dệt may Việt Nam đã vươn lên giữ vị trí thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu (chỉ sau Trung Quốc). Thế nhưng, ngôi vị này đã không giữ được lâu do gặp khó khăn về dịch bệnh, suy thoái kinh tế, hành trình tham gia vào sản xuất xanh. Do đó, năm 2022 và 2023, Bangladesh đã vươn lên thế chỗ và ngành dệt may Việt Nam đã phải lùi lại vị trí thứ 3.

Trong những năm gần đây, ngành dệt may của Bangladesh được đánh giá khá cao vì đã dồn nhiều nguồn lực đầu tư vào các nhà máy sản xuất xanh nên được nhiều nhãn hàng quốc tế ưu tiên đặt hàng với số lượng lớn.

Về phía ngành dệt may Việt Nam, tiến trình tham gia vào sản xuất xanh chưa được như kỳ vọng nên giảm sức cạnh tranh so với Bangladesh. Đơn cử năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 42 tỷ USD, năm 2023 là 40,3 tỷ USD và 7 tháng của năm 2024 là 23,9 tỷ USD. Hiện hàng dệt may của Việt Nam đã xuất sang 113 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng thị trường chính vẫn là: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu.

Gần đây, Bangladesh gặp các biến động về chính trị dẫn đến ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều nhà máy phải đóng cửa. Các đơn hàng dệt may của Bangladesh cũng giảm từ 20-40%. Nhiều đơn hàng đã được dịch chuyển sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Đây là cơ hội cho Việt Nam tăng sản xuất, xuất khẩu dệt may qua các thị trường có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, ngành dệt may Việt Nam muốn trở lại vị trí thứ 2 thì phải có những đầu tư lớn vào công nghệ để hình thành các nhà máy xanh, ít phát thải để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, ngoài gia công cho các nhãn hàng quốc tế, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải chú ý đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, thiết kế mẫu mã đa dạng, phong phú, tạo ra chuỗi sản phẩm với những thương hiệu riêng. Chủ động được các khâu trên, dệt may Việt Nam sẽ nâng cao giá trị gia tăng cho ngành.

Tại Đồng Nai, dệt may là ngành sản xuất chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ sau giày dép, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng. Vì thế, tỉnh luôn khuyến khích các doanh nghiệp dệt may tham gia vào sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, xây dựng thương hiệu riêng và vươn tầm ra thế giới. Tuy nhiên, đa số các nhà máy dệt may ở Đồng Nai vẫn gia công cho các thương hiệu quốc tế, ít doanh nghiệp xây dựng thương hiệu riêng cho ngành hàng xuất khẩu chủ lực này.     

Khánh Minh

Tin xem nhiều