Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Đồng Nai

Uyển Nhi
08:08, 06/08/2024

Hơn 30 năm trước, Việt Nam mở cửa thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với kỳ vọng sẽ có thêm nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, các doanh nghiệp (DN) FDI sẽ kết nối với DN Việt Nam, từng bước chuyển giao khoa học - công nghệ, cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua đó, DN Việt từng bước làm chủ công nghệ, trở thành những mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và lớn mạnh dần.

Thế nhưng, nhiều năm qua đi, các DN Việt Nam vẫn yếu thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này được thể hiện qua việc, đến nay cả nước có gần 1 triệu DN nhưng chỉ có 5 ngàn DN có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong số đó, có 100 DN là nhà cung ứng cấp 1. Có rất ít DN Việt trở thành đối tác quan trọng trong chuỗi cung ứng cũng là lý do khiến hơn 90% DN có quy mô nhỏ và vừa, siêu nhỏ.

Về kết nối giữa DN FDI và DN trong nước, hàng năm các bộ, ngành, địa phương đều tổ chức. Tuy nhiên, hiệu quả từ các hội nghị kết nối này ra sao thì vẫn chưa có những đánh giá cụ thể, chi tiết. Nhiều hội nghị kết nối cung - cầu còn mang tính dàn trải, các DN hoạt động ở những lĩnh vực khác nhau nên khó kết nối. Vì thế, các DN cho rằng, hội nghị kết nối cung - cầu nên tổ chức theo ngành hàng và những DN có thể cộng sinh với nhau. Như vậy, DN có thể liên kết để cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau.

Bên cạnh đó, mỗi ngành hàng phải thông qua hiệp hội của mình, có kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn xây dựng chuỗi sản xuất đáp ứng được nhu cầu của khách hàng quốc tế. Cùng với đó, DN xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu và từng bước nâng tầm. Một DN nhỏ khó thực hiện, nhưng nếu liên kết lại thành tổ hợp, tập đoàn, cùng hỗ trợ nhau để phát triển sẽ đỡ khó khăn hơn.

Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ về vốn, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Thế nhưng, số lượng DN tiếp cận được còn ít. Vì thế, cộng đồng DN mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có những giải pháp tháo gỡ bằng cách đơn giản, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục để hưởng ưu đãi. Cần có cơ chế, chính sách rõ ràng khuyến khích DN đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Đồng Nai là trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam, tập trung nhiều DN trong nước, FDI nhưng việc kết nối để cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn yếu. Vì thế, bài toán đặt ra cho tỉnh là phải nhanh chóng tìm cách kết nối giữa DN trong nước với DN FDI để tăng được tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Qua đó, giúp DN trong tỉnh lớn dần.

Uyển Nhi

Tin xem nhiều