Báo Đồng Nai điện tử
En

Chốt phương án đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

Phạm Tùng
07:00, 07/08/2024

Bộ Giao thông vận tải đã chính thức phê duyệt Dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1), dự án thành phần nằm trong tổng thể tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ kết nối với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, góp phần giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 20.
Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ kết nối với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, góp phần giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 20. Ảnh: tư liệu

Trước đó, vào tháng 9-2022, Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Khởi công trong năm 2024

Theo quyết định phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài hơn 60km. Điểm đầu của tuyến đường tại Km0+000, khu vực nút giao với quốc lộ 1 kết nối với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất; điểm cuối tại Km60+243,83 (cuối nút phạm vi giao với quốc lộ 20), kết nối với đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, xã Phú Trung, huyện Tân Phú.

Trong giai đoạn 1, đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có quy mô 4 làn xe hạn chế, chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 17m. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến sẽ có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, mặt cắt ngang 24m, vận tốc thiết kế 100km/h. Cùng với đó, trên tuyến có 26 cầu vượt qua đường ngang, 4 cầu trên nhánh nút giao; 24 hầm chui dân sinh; 31km đường gom hai bên kết hợp với hầm chui dân sinh, cầu vượt, đảm bảo kết nối giao thông, hạn chế ảnh hưởng đời sống cư dân hai bên.

Theo phương án đầu tư được phê duyệt, thời gian thu phí hoàn vốn của Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là 18 năm 2 tháng 11 ngày.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 9 ngàn tỷ đồng gồm vốn do nhà đầu tư huy động gần 7,7 ngàn tỷ đồng và vốn của Nhà nước 1,3 ngàn tỷ đồng. Trong phương án được duyệt, Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú cũng được đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ tại Km40, quy mô 3 hécta mỗi bên. Chi phí giải phóng mặt bằng để xây dựng trạm dừng nghỉ được tính trong tổng mức đầu tư dự án.

Theo Bộ Giao thông vận tải, đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú cùng với các tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là các dự án do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản và sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2024.

Sẵn sàng giải phóng mặt bằng

Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được đầu tư xây dựng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 20. Hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải Thành phố Hồ Chí Minh - Dầu Giây - Liên Khương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Đồng thời, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Đối với Đồng Nai, dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội cũng như động lực để các địa phương vùng sâu, vùng xa như: Định Quán, Tân Phú bứt phá phát triển.

Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là tuyến cao tốc đi hoàn toàn trong địa phận Đồng Nai. Do đó, địa phương sẽ đảm nhiệm công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án. Đối với dự án này, công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh với tổng diện tích đất cần sử dụng khoảng 378 hécta.

Tại Hội nghị Giao ban kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 được tổ chức vào đầu tháng 6 vừa qua, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương có tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đi qua phải chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực cũng như quy hoạch xây dựng các khu tái định cư để triển khai công tác giải phóng mặt bằng cho dự án.

Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Nguyễn Đình Cương cho hay, trên địa bàn huyện đang triển khai xây dựng 3 khu tái định cư. Tuy nhiên, thống kê trước mắt cho thấy, dự án chỉ đi qua đất rẫy, đất trồng cây cao su nên không phải bố trí tái định cư cho người dân.

Tương tự, UBND huyện Định Quán cho biết, theo dự kiến, số hộ dân cần tái định cư đối với Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là rất ít. Mặc dù vậy, địa phương cũng đã chủ động quy hoạch các khu tái định cư tại các xã Phú Ngọc, Gia Canh để phục vụ tái định cư cho người dân.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Phạm Duy Thi, để phục vụ Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú qua địa bàn, địa phương phải thu hồi diện tích đất khoảng 125 hécta với khoảng 86 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong số này, có 60 hộ phải tái định cư. Ngoài ra, huyện Tân Phú còn phải thực hiện tái định cư cho khoảng 120 hộ dân thuộc Dự án Đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.

Hiện nay, UBND huyện Tân Phú đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư huyện lập dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư 12 hécta tại xã Phú Bình để bố trí tái định cư cho người dân.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều