Trong tháng 7, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Đồng Nai đã làm việc với Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa nhằm thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn.
Các đồng chí lãnh đạo xem sản phẩm của các hợp tác xã Đồng Nai tham gia một chương trình xúc tiến thương mại do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2023. Ảnh: Đ.LÊ |
Mặc dù đã có những nỗ lực và đạt những kết quả quan trọng song nhìn chung, phát triển kinh tế tập thể vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trong đó, việc nâng cao vai trò, trách nhiệm từ cơ sở là một trong những yêu cầu quan trọng để đưa kinh tế tập thể trở thành động lực quan trọng.
Thiếu cán bộ phụ trách kinh tế tập thể ở cơ sở
Theo Liên minh HTX Đồng Nai, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 500 HTX, Quỹ Tín dụng nhân dân và liên hiệp HTX, trong đó đang hoạt động là 402 HTX. Đồng Nai có gần 1,1 ngàn tổ hợp tác với 36,5 ngàn thành viên.
Thời gian qua, Liên minh HTX Đồng Nai đã phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương triển khai các giải pháp hỗ trợ, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, HTX, nhân rộng mô hình của các đơn vị hoạt động hiệu quả. Đồng thời rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các HTX để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát triển sản xuất kinh doanh và chấn chỉnh hoạt động theo đúng quy định pháp luật. Phối hợp với các cơ quan truyền thông phổ biến về mô hình HTX điển hình tiên tiến để khích lệ tinh thần phát triển.
Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu được thị trường trong nước đón nhận. Một số HTX còn xuất khẩu được sản phẩm của mình ra thế giới, cũng như liên kết để xây dựng chuỗi sản xuất trong các ngành kinh tế.
Thời gian tới, Liên minh HTX Đồng Nai sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến Luật HTX năm 2023 (có hiệu lực từ tháng 7-2024); tiếp tục đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các HTX và vấn đề phát triển kinh tế tập thể, ban hành, điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Liên minh HTX Đồng Nai Đỗ Phước Dũng, dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng thì việc phát triển kinh tế tập thể cũng còn những điểm nghẽn.
Cụ thể, nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của kinh tế tập thể chưa đầy đủ. Số lượng HTX trên địa bàn tỉnh nhiều, nhưng đa phần hiệu quả hoạt động chưa cao. Nhìn chung, các HTX, tổ hợp tác quy mô hoạt động còn nhỏ, thiếu vốn, thiếu đất, thiếu phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; sản xuất manh mún, liên kết lỏng lẻo. Quá trình chuyển đổi số diễn ra chậm, quy mô đầu tư nhỏ, hàm lượng công nghệ số chưa cao. Đội ngũ cán bộ quản lý đã qua đào tạo tỷ lệ còn thấp. Công tác quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế tập thể còn một số bất cập nên động lực để phát triển mô hình này chưa tạo được dấu ấn.
Ở địa phương (cấp huyện, thành phố), việc tập trung, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể cần phải có sự thay đổi. Hiện nay, tình hình chung trên toàn tỉnh là cán bộ phụ trách quản lý kinh tế tập thể cấp huyện, xã còn kiêm nhiệm nhiều công việc, lại thường xuyên thay đổi. Việc liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp trong các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ chưa nhiều và chưa mang tính ổn định. Các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ; các vấn đề liên quan đến tuân thủ hợp đồng liên kết, tiêu thụ chưa được thực hiện chặt chẽ.
Phối hợp thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể từ địa phương
Trước yêu cầu phát triển kinh tế tập thể, tháng 7 vừa qua, Liên minh HTX Đồng Nai đã tổ chức 3 đoàn công tác đến làm việc với các địa phương trong tỉnh; đồng thời đến thăm và làm việc, nắm bắt tình hình hoạt động của các HTX hoạt động hiệu quả hoặc có mô hình sản xuất, kinh doanh mới.
Tại các buổi làm việc với ban chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX các huyện, thành phố, các tổ công tác đã nghe báo cáo kết quả xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, HTX trong 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến cuối năm.
Ở huyện Thống Nhất, địa phương có 27 HTX (có 3 HTX mới thành lập). Theo đánh giá, có 21 HTX hoạt động hiệu quả, trong đó có 16 HTX hoạt động khá, 5 HTX hoạt động trung bình. Theo Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Nguyễn Đình Cương, các HTX trên địa bàn có những hạn chế khi thị trường đầu ra cho sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp của HTX, tổ hợp tác, chưa ổn định; tỷ lệ HTX gắn với chuỗi giá trị còn thấp; một số tổ hợp tác hoạt động còn mang tính tự phát; HTX khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh các hoạt động từ địa phương, ông Cương kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ đối với các HTX về lĩnh vực chuyển đổi số như dịch vụ số hóa nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, phần mềm quản lý trang trại; hỗ trợ HTX được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi…
Tại huyện Trảng Bom, địa phương có nhiều điều kiện để phát triển HTX lĩnh vực nông nghiệp, ông Từ Đức Bình, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện, chia sẻ các tổ hợp tác, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp nói trên được coi là nguồn để xây dựng HTX trong tương lai. Hội Nông dân huyện cùng các đơn vị liên quan sẽ nỗ lực tạo điều kiện để các tổ chức này liên kết với nhau trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng sức mạnh tập thể để có thể triển khai những hoạt động sản xuất chung một cách hiệu quả hơn.
Theo Phó chủ tịch Liên minh HTX Đồng Nai Nguyễn Thanh Hiền, thông qua các buổi làm việc với các địa phương trong tỉnh, các đơn vị liên quan sẽ có căn cứ để phối hợp chặt chẽ với nhau trong phát triển kinh tế tập thể.
Theo bà Hiền, các địa phương cần chủ động hỗ trợ những điều kiện nguồn lực cần thiết cho HTX hoạt động hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của HTX để hỗ trợ kịp thời. Những kiến nghị, đề xuất của địa phương cụ thể, Liên minh HTX Đồng Nai sẽ tổng hợp và chủ động báo cáo thông tin, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động, những trở ngại, khó khăn của chính quyền địa phương để đề xuất các cấp có thẩm quyền đề ra các giải pháp tháo gỡ và xử lý kịp thời.
Đào Lê
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin