Từ thực tế phải chờ đợi khá lâu mới có người đến các khu dân cư để thu gom rác, mua phế liệu, 2 học sinh Lê Kim Long và Phan Huỳnh Minh Khang (Trường trung học cơ sở Hồ Thị Hương, thành phố Long Khánh) đã nảy ra ý tưởng và thiết kế một ứng dụng giúp kết nối người thu gom rác, người mua phế liệu với các hộ gia đình một cách dễ dàng, hiệu quả hơn.
Các thành viên Hội đồng Giám khảo Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2024 bàn luận về ứng dụng Hệ sinh thái xanh - Green ECO app. Ảnh: H.Dung |
Nhờ sự liên kết này mà rác thải, phế liệu của các hộ dân trong khu dân cư được thu gom, thu mua sớm, tránh tình trạng ùn ứ rác thải gây ô nhiễm môi trường.
Sản phẩm dễ sử dụng
Em Lê Kim Long cho biết, trong cuộc sống hàng ngày, em nhận thấy có sự “lệch pha” giữa người thu mua phế liệu và các hộ gia đình khi ngày người thu mua phế liệu đi mua thì các hộ dân không có nhà; ngày người dân ở nhà thì người thu mua phế liệu lại không đến. Thực tế cuộc sống giúp Kim Long và bạn nảy ra ý tưởng kết nối những người cần mua và cần bán phế liệu. Để tạo ra một ứng dụng, yêu cầu học sinh phải có kiến thức về tin học cũng như kiến thức về lập trình. Sau khi được thầy cô hướng dẫn và trực tiếp tìm hiểu qua mạng internet, các em được biết có một ứng dụng của Google là Appsheet có thể giúp người dùng tạo ra ứng dụng mà không cần có nhiều kiến thức về lập trình.
Nghĩ là làm, Kim Long và Minh Khang đã tạo một file Google sheet trong Google Drive. Tiếp đến, các em vào Google Drive và tạo một file Google sheet rồi điền dữ liệu cho bảng tính, nhập thông tin các thành phần vào dữ liệu nguồn. Tiếp đến, các em tạo một ứng dụng và kết nối ứng dụng đó với nguồn dữ liệu vừa làm.
Sản phẩm ứng dụng Hệ sinh thái xanh - Green ECO app là một trong những giải pháp xuất sắc đoạt giải nhì thuộc lĩnh vực các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế của Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2024. |
Theo Minh Khang, sau khi đã đăng ký thành công app, nếu muốn chia sẻ app này cho các hộ gia đình hoặc cá nhân sử dụng thì chỉ cần nhấn vào biểu tượng share và nhập địa chỉ email của người muốn chia sẻ. Sau đó, người nhận sẽ tải ứng dụng xuống thiết bị hoặc trình duyệt web của họ. Ngoài ra, người dùng cũng có thể quét mã QR để tải ứng dụng một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn.
“Khi đã tải được ứng dụng, người dùng có thể đăng ký dưới dạng là người mua phế liệu hoặc người bán phế liệu. Nếu là người mua sẽ thấy được thông tin như: các loại phế liệu, số lượng, địa chỉ, số điện thoại của người bán. Còn người bán phế liệu thì app sẽ hiển thị những thông tin như: chọn loại phế liệu, khối lượng, số lượng, trạng thái. Từ thông tin của người bán phế liệu, người mua phế liệu sẽ đến địa chỉ của người bán để thu gom phế liệu nhanh chóng, tránh tình trạng để dồn phế liệu, rác thải qua nhiều ngày ở nhà dân” - Kim Long nói.
Tính ứng dụng cao
Thạc sĩ Nguyễn Minh Sơn, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Lạc Hồng, nhận xét vấn đề bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại rác thải tại nguồn đang rất được quan tâm tại nhiều địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Ý tưởng của các em học sinh Trường trung học cơ sở Hồ Thị Hương tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất hữu ích, dễ sử dụng. Bằng việc vào app, người thu mua phế liệu có thể biết hộ gia đình nào, địa chỉ ở đâu đang có những loại phế liệu gì cần bán và đến mua, không phải đi rao khắp nơi mà không mua được phế liệu, giúp tiết kiệm thời gian, công sức.
Ngược lại, các hộ gia đình cũng có thể kết nối với người thu mua phế liệu, thu gom rác để bán, xử lý phế liệu, rác thải ra hàng ngày, giúp môi trường sống của gia đình trong lành hơn, không còn tình trạng ùn ứ rác thải, phế liệu.
Minh Khang chia sẻ, qua tìm hiểu, các em được biết sản phẩm app kết nối giữa người mua và người bán phế liệu chưa có trên thị trường. Nếu bổ sung thêm tính linh hoạt thì có thể áp dụng ở nhiều nơi, giúp việc phân loại rác tại nguồn thuận tiện, hiệu quả cho nhiều phía.
Đối với bản thân 2 em, từ việc tìm hiểu và phát triển ứng dụng mà trình độ tin học của các em được nâng cao hơn.
Minh Khang bộc bạch: “Trong cuộc sống hàng ngày, chúng em nhận thấy còn nhiều bất cập. Những bất cập này hoàn toàn có thể giải quyết với các giải pháp về công nghệ. Chúng em sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để cho ra đời các sản phẩm thân thiện hơn, giúp giải quyết một số vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, giúp cuộc sống của bản thân, người thân trong gia đình và những người xung quanh tốt đẹp hơn”.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin