Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp cận vốn vẫn là điểm nghẽn lớn của doanh nghiệp

Văn Gia
07:30, 31/07/2024

Thời gian qua, Chính phủ có nhiều quan tâm, ưu tiên hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp (DN) trên cả nước. Tuy nhiên, bài toán về vốn cho sản xuất vẫn đeo đẳng khu vực DN nhỏ và vừa. Đây cũng là điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình phục hồi phát triển sản xuất của DN Việt.

Sản xuất tại một doanh nghiệp ở huyện Long Thành.
Sản xuất tại một doanh nghiệp ở huyện Long Thành. Ảnh:V.Gia

Thực tế, DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp có nhu cầu vay vốn cao và hệ thống ngân hàng có sẵn vốn nhưng giữa người cho vay và người vay chưa tìm được tiếng nói chung, dù lãi suất đã “hạ nhiệt” ở mức DN chấp nhận được.

Khó vay vốn

Hiện nay, số lượng DN nhỏ và vừa chiếm hơn 90% tổng số DN Việt Nam. Mặc dù là động lực vô cùng quan trọng trong nền kinh tế, song các DN nhỏ và vừa đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Các khó khăn gồm có: tiếp cận tài chính, khách hàng mới, thiếu công cụ quản lý rủi ro, thiếu thông tin kinh doanh…

Thiếu vốn kinh doanh là một trong những khó khăn chính vì DN khó tiếp cận vốn từ ngân hàng.

Theo Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam, có một nghịch lý là mặc dù chiếm số lượng rất lớn nhưng khả năng vay vốn của khu vực DN nhỏ và vừa còn rất thấp.

Các DN nhỏ và vừa mong muốn việc xử lý quyết định cho vay vốn nhanh hơn, các điều kiện vay linh hoạt hơn, có các ưu đãi và dịch vụ phù hợp. DN cũng mong muốn vấn đề yêu cầu tài sản thế chấp của các ngân hàng ở mức thấp hoặc cho vay tín chấp.

Điều này cũng tương tự tại Đồng Nai, dư nợ cho vay DN nhỏ và vừa chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 16% so với tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trong tỉnh.

Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện cho hay, qua trao đổi với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thì có một vấn đề là ngành ngân hàng có sẵn vốn để cho vay nhưng DN lại không thể vay được các khoản tiền đó.

Nguyên nhân là điểm tín dụng của đa số DN hiện nay thấp. Qua những năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và tác động kinh tế bất ổn trên thế giới, DN đều gặp khó khăn. Sau khi cơ cấu lại các khoản nợ, về điểm tín nhiệm tín dụng thấp đã khóa DN lại. Lãi suất cho vay từ các ngân hàng theo đánh giá của các DN là ổn nhưng rất khó tiếp cận được vốn vay. Bên có tiền, bên cần vay không gặp nhau như vòng luẩn quẩn cần tháo gỡ.

Theo nhiều DN, họ đang rất “khát vốn” nhưng cũng cần có quy định cụ thể trong định giá tài sản để vay vốn. Đồng thời, nên mở thêm gói vay tín chấp để DN tiếp cận được vốn vay mà không phải thế chấp tài sản. Trên thực tế, đa số các DN nhỏ, sức cạnh tranh yếu, năng lực quản lý hạn chế, chi phí vận hành cao nên rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay, đặc biệt là nguồn vốn vay ưu đãi.

Cần có thêm các cơ chế hỗ trợ DN

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) có Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, nguồn vốn của quỹ chỉ khoảng 800 tỷ đồng, sắp tới có thể tăng thêm đến 2 ngàn tỷ đồng. Nguồn vốn này rất khiêm tốn so với nhu cầu của DN. Quỹ đang rất cần mở rộng thêm để có thể hỗ trợ cho số lượng lớn DN nhỏ và vừa trên cả nước.

Sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu tại Công ty TNHH Kim Vĩnh Phú, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa.
Sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu tại Công ty TNHH Kim Vĩnh Phú, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa. Ảnh:B.Nguyên

Tại Diễn đàn Tiếp cận vốn - khơi thông điểm nghẽn được tổ chức ở tỉnh Bình Dương vào ngày 23-7-2024, Phó cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH-ĐT) Trịnh Thị Hương cho hay, để tiếp cận được các nguồn vốn vay tín chấp, trong đó có nguồn vốn vay từ quỹ, các DN phải đáp ứng các tiêu chí dành cho 2 đối tượng ưu tiên là DN đổi mới sáng tạo và DN nằm trong cụm liên kết chuỗi giá trị.

Theo bà Hương, các DN cần chủ động tìm hiểu, nắm chắc các quy định pháp luật, tìm hiểu thông tin tiếp cận nguồn quỹ; đồng thời, phải chủ động, sáng tạo, có phương án kinh doanh tốt. Điều này lại đang là một cái khó đối với đa số DN hiện nay.

Đối với Đồng Nai, tình hình cũng tương tự. Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Rồng Nam Việt (thành phố Biên Hòa) Đặng Quốc Nghi cho biết, nhu cầu vay vốn của DN trên thị trường hiện nay là rất lớn. Đặc biệt, khi kinh tế dần ổn định trở lại, nhu cầu thị trường tăng lên thì việc “bơm” vốn phục vụ DN là rất cần thiết. Nhưng bản thân DN không thể có đầy đủ những tiêu chuẩn cao để có thể vay vốn một cách dễ dàng. Các quỹ để hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp từ Nhà nước lẫn tư nhân đang rất thiếu. Nếu có thêm hỗ trợ, DN sẽ phần nào được tiếp sức, nắm bắt cơ hội phục hồi một cách tốt hơn.

Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện chia sẻ thêm, Việt Nam có nhiều ngân hàng thương mại nhưng vẫn chưa có ngân hàng dành riêng cho DN nhỏ và vừa. Tại Malaysia, nước có quy mô kinh tế gần với Việt Nam, chính phủ đang đặc biệt quan tâm đến DN nhỏ và vừa và họ có tổ chức tài chính dành cho khối DN này. Do vậy, Việt Nam cũng cần tính toán thêm các cơ chế, giải pháp để hỗ trợ DN tiếp cận vốn ngân hàng và các nguồn tài chính khác một cách thuận lợi hơn.

 Văn Gia

Tin xem nhiều