Báo Đồng Nai điện tử
En

Thị trường bất động sản vẫn lo bị nghẽn

Uyển Nhi
08:21, 20/07/2024

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) và người dân đang kỳ vọng từ ngày 1-8-2024, khi 4 bộ luật quan trọng là: Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) năm 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực, các dự án được khơi thông, thị trường BĐS sẽ phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, dù 4 luật trên có hiệu lực thì thị trường BĐS vẫn còn các điểm nghẽn cần phải tháo gỡ mới có thể hoạt động thông suốt.

Cụ thể, để triển khai dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, DN phải thực hiện nhiều bước. Trong đó có những bước phải chờ đợi cả năm như: định giá đất, định giá nhà (với nhà ở xã hội). Bên cạnh đó, còn nhiều vướng mắc hiện vẫn chưa được quy định trong luật, nghị định, thông tư hướng dẫn là quỹ đất của DN cổ phần hóa. Nếu DN triển khai dự án BĐS phù hợp với tất cả các quy hoạch về đất đai, xây dựng, đô thị, kế hoạch sử dụng đất nhưng thiếu phương án sắp xếp nhà đất hoặc phương án sử dụng đất sẽ không thể triển khai dự án. Trường hợp phương án sắp xếp nhà đất không phù hợp với quy hoạch thì dự án sẽ bị ách tắc.

Ngoài ra, các dự án nhà ở thương mại không có đất ở cũng sẽ phải chờ, vì chưa có quy định cho nhà đầu tư thực hiện một trong 3 phương án là đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư cùng với chấp thuận nhà đầu tư. Điều này sẽ là rào cản cho các DN muốn triển khai các dự án nhà ở thương mại nhưng không có đất ở. Hiện có cả trăm dự án BĐS tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… rơi vào tình trạng như trên.

Hiện nay, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 đang trong quá trình lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội nên đây là thời điểm thuận lợi để bổ sung thêm những vấn đề luật chưa quy định. Như vậy, khi luật, nghị định, thông tư hướng dẫn có hiệu lực thi hành sẽ tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý cho chủ đầu tư các dự án BĐS đang gặp phải lâu nay.

Đồng Nai có gần 300 dự án BĐS đang triển khai thực hiện. Trong đó có những dự án lớn, vốn đầu tư lên tới vài trăm triệu USD đang vướng thủ tục pháp lý phải chờ tháo gỡ. Vì thế, tỉnh và các nhà đầu tư dự án rất mong những điểm nghẽn về chính sách được tháo gỡ để thị trường BĐS hồi phục. Thị trường BĐS hồi phục sẽ thúc đẩy nhiều ngành, lĩnh vực khác phục hồi theo và sẽ đóng góp lớn cho thu ngân sách nhà nước.                                                        

Uyển Nhi

Tin xem nhiều