(ĐN)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo vào tối 18-7.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai tham dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ. Ảnh: Ngọc Liên |
Cùng tham dự hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội và các địa phương trong cả nước.
Tại điểm cầu Đồng Nai, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã chủ trì và phát biểu tham luận, cùng sự tham dự của lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
* Đồng Nai đạt nhiều kết quả về kinh tế
Hội nghị đã nhận được những ý kiến phát biểu đánh giá về tình hình ngoại giao kinh tế trên các lĩnh vực của Việt Nam từ đại sứ Việt Nam tại các nước như: Trung Quốc, Thụy Điển, Nhật Bản, Hoa Kỳ… ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương về vấn đề thực hiện ngoại giao kinh tế trong 6 tháng đầu năm.
Báo cáo về công tác ngoại giao kinh tế của Đồng Nai, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác đối ngoại nói chung, ngoại giao kinh tế nói riêng của tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể, thu hút các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 941 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng Nai đứng thứ 7 cả nước và thứ 3 vùng Đông Nam Bộ về thu hút FDI. Kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 đều tăng. Đồng Nai xuất siêu trên 3 tỷ USD.
Tỉnh Đồng Nai tập trung củng cố, đẩy mạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ,…); quan tâm nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh đầu tư, thương mại tại các thị trường mới, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tại các thị trường nước ngoài tiềm năng trên thế giới…
Thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Các khu vực tỉnh chọn quy hoạch phát triển khu công nghiệp có vị trí thuận lợi về cơ sở hạ tầng, có địa chất tốt, chi phí xây dựng công trình ít tốn kém.
Đồng Nai tham gia Hội nghị trực tuyến Chính phủ. Ảnh: Ngọc Liên |
Tỉnh Đồng Nai thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cách Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30km, cách cụm cảng Thị Vải - Cái Mép của Bà Rịa - Vũng Tàu 40km và có nhiều lợi thế phát triển trong tương lai.
Dự kiến đến năm 2025, Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành giai đoạn 1 và được đưa vào khai thác, sử dụng, sẽ tạo động lực phát triển không chỉ cho địa phương mà cho cả toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, hàng năm, tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị Gặp gỡ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh, tổ chức các Hội nghị Xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại với doanh nghiệp các nước tiềm năng…
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế do Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài tổ chức trong và ngoài nước.
Tỉnh cũng luôn quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyên truyền, công khai các thông tin, quảng bá các sản phẩm hàng hóa trên website của đơn vị, phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế.
Với tư duy đột phá, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, tỉnh Đồng Nai xác định tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế và đô thị đẳng cấp, đáng sống, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính “net - zero 2050”, tỉnh chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, chọn nhà đầu tư tốt nhất, kiểm soát dự án, ưu tiên các dự án thân thiện môi trường, công nghệ sạch.
* Tiếp tục quan tâm thúc đẩy phát triển kinh tế
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, 6 tháng đầu năm tình hình kinh tế của cả nước đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn những khó khăn, thách thức đòi hỏi các ngành, các cấp không được chủ quan, lơ là, cần tiếp tục quan tâm thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là vấn đề thị trường, chuỗi cung ứng, cạnh tranh với các chuỗi cung ứng hàng hóa trên thế giới.
Để hoàn thành mục tiêu những tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, ưu tiên tăng trưởng gồm: Làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống, trong đó tập trung động lực xuất khẩu với các vấn đề về đầu tư thương mại, dịch vụ, du lịch. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế tri thức… lấy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm động lực. Tiếp tục kêu gọi đầu tư cho các động lực tăng trưởng mới; kết nối với các địa phương trong nước để mở rộng mối quan hệ phát triển đầu tư, thương mại.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp phải tận dụng tất cả những cơ hội có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua hoạt động ngoại giao kinh tế; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng những lĩnh vực truyền thống, đặc biệt chú trong đến xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư... Cùng theo đó là tăng trưởng kinh tế ở những lĩnh vực mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số…).
Ngọc Liên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin