(ĐN)- Ngày 24-7, UBND tỉnh phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá mô hình chất lượng tăng trưởng kinh tế Đồng Nai.
Chủ trì và điều hành hội thảo có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng; PGS-TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên; Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Lại Thế Thông.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phạm Tùng |
Tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, thời gian qua, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách đã được ban hành và tích cực triển khai thực hiện, mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ.
Trong đó, Đồng Nai là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm các địa phương cao nhất cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 của tỉnh xếp thứ 7 cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập của người dân ngày càng cải thiện.
Năm 2023, Đồng Nai xếp thứ 3 cả nước về thu nhập bình quân đầu người. Tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện các mục tiêu và định hướng đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ XI của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 cũng gặp các khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm.
Công nghiệp là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh, nhưng gặp rất nhiều khó khăn trước sự biến động và suy giảm của thị trường thế giới, chậm phục hồi. Ngành công nghiệp vẫn chủ yếu tập trung ở các ngành thâm dụng lao động phổ thông, nhóm ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 2,7-2,9% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Các ngành dịch vụ, đặc biệt dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, dịch vụ công nghiệp, dịch vụ logistics… có phát triển nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Những vấn đề đó đòi hỏi cần phải có sự đánh giá, phân tích, mổ xẻ sâu các vấn đề liên quan đến mô hình kinh tế của tỉnh. Tìm ra những nút thắt cơ bản, những yếu tố then chốt cản trở quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng.
PGS-TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phạm Tùng |
Đối với Đồng Nai, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế sẵn có, thời gian tới, việc Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đi vào hoạt động sẽ tạo “cú hích” lớn, tạo cơ hội, điều kiện khai thác các động lực mới, tạo bước đột phá trong mô hình kinh tế của tỉnh.
Trình bày đề tài về mô hình kinh tế Đồng Nai phát triển bền vững tại hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, phát triển kinh tế bền vững dựa trên 3 trụ cột chính gồm bền vững về kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Từ đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất đổi mới mô hình kinh tế Đồng Nai phát triển bền vững dựa trên các nền tảng gồm: lấy công nghiệp là trọng tâm, trong đó, thúc đẩy phát triển Đồng Nai trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của cả nước; tận dụng lợi thế đang có về vị thế ngành nông nghiệp trong khu vực Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp giá trị cao, công nghệ cao và bền vững; thúc đẩy phát triển khu vực dịch vụ, lấy trọng tâm là sự phát triển của đô thị Sân bay Long Thành và các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp.
Phạm Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin