Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều dự án lưới điện không phù hợp quy hoạch

Lê An
07:00, 11/07/2024

Các dự án lưới điện 110kV do Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư vào cuối năm 2023 đều không phù hợp với quy hoạch. Điều này dẫn đến các dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư để triển khai, nguy cơ ảnh hưởng đến cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nhân viên Điện lực Đồng Nai kiểm tra sử dụng điện tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Ảnh minh họa: L.AN
Nhân viên Điện lực Đồng Nai kiểm tra sử dụng điện tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Ảnh minh họa: L.AN

Đồng bộ các cấp độ quy hoạch là yếu tố tiên quyết để chấp thuận chủ trương đầu tư, triển khai dự án.

Lệch, chưa có trong quy hoạch

Theo báo cáo của PC Đồng Nai, đơn vị đang gặp khó khăn trong triển khai các công trình điện 110kV theo Quy hoạch phát triển điện lực Đồng Nai giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 đã được phê duyệt. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho tỉnh trong thời gian tới.

Phó giám đốc PC Đồng Nai Lê Hoàng Trung chia sẻ, cuối năm 2023, công ty nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án lưới điện 110kV nhưng chưa được tỉnh chấp thuận. Lý do là các dự án không phù hợp quy hoạch sử dụng đất và không có trong quy hoạch xây dựng của địa phương.

5 dự án điện 110kV chưa phù hợp quy hoạch sử dụng đất là: Cải tạo đường dây Định Quán - Định Quán 2; Đường dây Long Thành - Nhơn Trạch 5, Long Thành - Hyosung; Đường dây chuyển tiếp Xuân Lộc - Cẩm Mỹ; Trạm biến áp Phước Tân và đường dây đấu nối; Đường dây từ Trạm biến áp 220kV Tam Phước ra đường dây Long Bình - Long Thành.

Theo giải thích của ông Trung, các dự án này đa phần được định hướng theo sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương theo giai đoạn nên không thể xác định được hướng tuyến, vị trí trạm biến áp, do đó không thể cập nhật trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng của địa phương.

Điển hình là Dự án Xây dựng mới đoạn đường dây 110kV 4 mạch đấu chuyển tiếp trên đoạn đường dây Long Thành - Nhơn Trạch 5, Long Thành - Hyosung. Thời điểm đề xuất chủ trương đầu tư, dự án chưa phù hợp với các quy hoạch. Cụ thể là chưa phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của huyện Nhơn Trạch, chưa có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của huyện Nhơn Trạch; vị trí đường dây chưa được thể hiện trên Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016. Ngoài ra, một phần vị trí dự án này dính vào Quy hoạch bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Đối với vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất, để điều chỉnh cho phù hợp phải mất 5 năm theo định kỳ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Đối với vướng mắc về quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, thẩm quyền cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch là Thủ tướng Chính phủ; vướng quy hoạch quốc phòng phải xin ý kiến của Bộ Quốc phòng về quy hoạch, chiều cao trụ.

Từ dẫn chứng trên cho thấy, việc không đồng bộ các quy hoạch dẫn đến dự án chưa đủ điều kiện được chấp thuận chủ trương đầu tư. Không có chủ trương đầu tư thì không thể triển khai dự án, nguy cơ ảnh hưởng đến đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, tin cậy và cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch cũng như toàn tỉnh.

Phải đồng bộ các quy hoạch

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh cuối tháng 6 vừa qua, PC Đồng Nai kiến nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Công thương xem xét cho miễn làm thủ tục đầu tư đối với các công trình, dự án lưới điện 110kV. Trường hợp phải có chủ trương đầu tư, công ty đề xuất UBND tỉnh chấp thuận hướng tuyến và vị trí trạm, sau đó sẽ tiến hành các bước: cập nhật dự án vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng các địa phương, xin chấp thuận chủ trương đầu tư.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Phan Trung Hưng Hà cho rằng, trước đây ngành điện triển khai các công trình theo kế hoạch của ngành điện. Tức là duyệt dự án rồi làm các thủ tục thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng mà không cần chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Luật Đầu tư hiện hành quy định mọi dự án đều phải có chủ trương đầu tư. Về thẩm quyền, đối với dự án, công trình triển khai theo hình thức đầu tư công thì áp dụng Luật Đầu tư công và Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư. Còn dự án triển khai theo hình thức đầu tư thông thường thì áp dụng Luật Đầu tư, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.

“Các dự án điện, kể cả đường dây đều phải có chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, do công trình lưới điện có đặc thù là đường dây kéo, nhiều vị trí móng trụ có thể chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư” - ông Hà cho hay.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho hay, đồng bộ các cấp độ quy hoạch là yếu tố tiên quyết để chấp thuận chủ trương đầu tư. Phải có chủ trương đầu tư mới có cơ sở để thực hiện các thủ tục pháp lý khác như: thỏa thuận hướng tuyến và vị trí trạm biến áp, cập nhật vào quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và đăng ký kế hoạch sử dụng đất.

Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị PC Đồng Nai chủ động, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các thủ tục liên quan để đảm bảo công trình điện đề xuất phù hợp với các quy hoạch đang có hiệu lực. Đồng thời, xác định nguồn vốn thực hiện dự án, nếu triển khai theo Luật Đầu tư thì ngành điện hoàn tất các thủ tục liên quan để tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Còn nếu triển khai dự án theo Luật Đầu tư công thì ngành điện chấp thuận chủ trương đầu tư.

Hiện tại, không chỉ các dự án điện 110kV của PC Đồng Nai mà nhiều dự án điện 220kV, 500kV trên địa bàn tỉnh bị “vênh” quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chưa thể triển khai. Giải pháp đặt ra ngành điện phải có kế hoạch, có danh mục, công trình, dự án dự kiến thực hiện đề xuất tích hợp vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị, quy hoạch sử dụng đất của các địa phương.

Lê An

Tin xem nhiều