Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngoại giao kinh tế phải đón đầu xu thế mới

Khánh Minh
07:06, 23/07/2024

Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về công tác ngoại giao kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm vào ngày 18-7 vừa qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị

Từ nhiều năm nay, Chính phủ, các tỉnh, thành trên cả nước đều rất chú trọng đến công tác ngoại giao kinh tế với các nước, vùng lãnh thổ. Mục tiêu là để tăng thu hút đầu tư, mở rộng giao thương thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, cam kết, thỏa thuận mới cùng phát triển. Đồng thời, trong quá trình giao thương của doanh nghiệp, thu hút đầu tư có gặp vướng mắc, khó khăn sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tại các quốc gia, vùng lãnh thổ cùng tháo gỡ. Việc này giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Việt Nam là nước tham gia vào hội nhập sâu nhanh và rộng, tăng trưởng phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu. Cụ thể, năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam gần 544 tỷ USD; năm 2021 là 668,5 tỷ USD; năm 2022 khoảng 732,5 tỷ USD; năm 2023 hơn 681,1 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2024 khoảng 370 tỷ USD. Hơn 4 năm qua, thế giới có nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế như: đại dịch Covid-19, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chiến tranh giữa Nga - Ukraine, xung đột Biển Đỏ… Tuy nhiên, Việt Nam vẫn vượt qua khó khăn, giữ được giao thương với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo đó, GDP của Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng dương, cao hơn nhiều nước trong khu vực và trở thành điểm sáng của toàn cầu trong phục hồi, phát triển kinh tế. Có được kết quả trên một phần là do Việt Nam đã thực hiện tốt ngoại giao kinh tế.

Ngoài giao thương với các nước được mở rộng thì thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2022, vốn nước ngoài đăng ký vào Việt Nam hơn 27,7 tỷ USD; năm 2023 hơn 36,6 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2024 gần 15,2 tỷ USD.

Đồng Nai nằm trong tốp 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất, nhập khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nên ngoại giao kinh tế trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng. Hàng năm, ngoài đón tiếp các đại sứ, tổng lãnh sự các nước, tập đoàn đa quốc gia đến thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư, tỉnh tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại tại một số quốc gia có đầu tư, giao thương lớn với tỉnh như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, để công tác ngoại giao kinh tế ngày càng hiệu quả thì Đồng Nai phải nắm bắt sớm, nhanh các xu thế mới để kết nối, hợp tác mở rộng giao thương, thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo lực đẩy vững mạnh cho đầu tàu kinh tế Việt Nam.              

Khánh Minh

Tin xem nhiều