Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Bình Nguyên
08:20, 20/07/2024

Từ năm 2022, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo đó, hoạt động thả giống thủy sản thường xuyên được tổ chức, thả hàng triệu con giống/năm vào vùng nước tự nhiên của sông Đồng Nai, hồ Trị An, rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh tham gia thả cá trên sông Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên

UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản chỉ đạo số 7579/UBND-KTN về tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn được giao thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hệ thống sông Đồng Nai từng có hàng trăm loài cá nước ngọt, 12 loài tôm nước ngọt. Bên cạnh đó, nguồn thủy sản nước lợ cũng khá đa dạng. Trong đó có 17 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam ở các mức độ đe dọa khác nhau cần được bảo vệ. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm sút nghiêm trọng do bị khai thác quá mức.

Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân khiến nguồn thủy sản ngày càng suy giảm cả về thành phần loài cũng như số lượng cá thể, trong đó số lượng cá thể giảm đến mức báo động. Cụ thể, ảnh hưởng của việc xây dựng các hồ chứa nước ở thượng nguồn làm cản trở đường di cư của các loài cá, thu hẹp phạm vi phân bố các loài thủy sản. Ô nhiễm môi trường do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cũng làm giảm sút nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, việc khai thác thủy sản mang tính hủy diệt như: sử dụng xung điện, chất độc, các nghề, ngư cụ có tính chọn lọc thấp, khai thác con non trong mùa sinh sản…, làm cho nguồn lợi không tái tạo được và dần mất đi.

Theo đó, nhiều năm qua, Đồng Nai luôn chú trọng công tác thả cá phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cho hay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động Phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đưa việc thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản thành phong trào thi đua thiết thực. Mục tiêu để góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản, phục hồi đa dạng sinh học trên hệ thống sông Đồng Nai. Phong trào này thu hút sự quan tâm, phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các cấp, các cơ quan dân vận, Mặt trận, đoàn thể, hội nghề nghiệp, chính trị - xã hội về công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Trong nội dung Văn bản chỉ đạo số 7579/UBND-KTN của UBND tỉnh về tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh cũng giao cho Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch và phối hợp với Sở Tài chính đề xuất bố trí kinh phí thực hiện thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản hàng năm tại các thủy vực tự nhiên như sông, hồ trên địa bàn tỉnh vào ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (ngày 1-4) và các thời điểm khác phù hợp. Tiếp tục phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào các dịp cao điểm người dân thực hiện phóng sinh như ngày ông Công - ông Táo, rằm tháng Giêng, lễ Phật đản, lễ Vu Lan...

Gắn với kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản (1-4-1959 - 1-4-2024), Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai tổ chức thả cá giống, tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên sông Đồng Nai. Dịp này, hơn 226 ngàn cá thể giống các loài đã được thả ra sông Đồng Nai gồm: tôm càng xanh, cá lăng nha, cá vồ đém, chạch lấu, bống tượng… Ngoài ra, còn thả 500kg các loại cá như: trắm đen, mè, chép, trôi…

Nhiều giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Một trong những nội dung quan trọng của Văn bản chỉ đạo số 7579 của UBND tỉnh là tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau các đợt thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; tiếp tục triển khai thực Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 29-11-2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản và công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh huy động nguồn lực, phát động phong trào chung sức tham gia hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh gửi các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hưởng ứng, tham gia thực hiện.

Đây cũng là nội dung được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương tập trung triển khai thời gian qua. Cụ thể, tính đến cuối tháng 4-2024, toàn tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 29 trường hợp, phạt tiền 371,5 triệu đồng, tịch thu 32 máy xung điện, 767 lợp xếp, 8 ngư cụ lưới te.

Theo Phó giám Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh, một trong những nguyên nhân chính khiến nguồn thủy sản dần cạn kiệt là việc người dân khai thác thủy sản mang tính tận diệt. Đây là việc làm rất đáng lên án. Nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, nghề và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị và địa phương tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các vùng trọng điểm như: hồ Trị An, sông Đồng Nai và rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch.

Trong đó, công tác tuyên tuyền, vận động người dân không sử dụng các hình thức khai thác thủy sản mang tính tận diệt; tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được chú trọng. Qua đó nâng cao ý thức của người dân trong đấu tranh, tố giác các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật thủy sản; tích cực giao nộp chất nổ, chất độc, xung điện và ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều