Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm sản phẩm OCOP cho trái cây tươi

Bình Nguyên
07:25, 10/07/2024

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã tập trung xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cả ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Đồng Nai cũng rất chú trọng làm nhãn hàng, xây dựng thương hiệu riêng cho đặc sản trái cây gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Khu trưng bày sản phẩm sầu riêng OCOP của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ thương mại Xuân Lập, thành phố Long Khánh.
Khu trưng bày sản phẩm sầu riêng OCOP của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ thương mại Xuân Lập, thành phố Long Khánh. Ảnh:B.Nguyên

Theo đó, Đồng Nai ngày càng có nhiều sản phẩm trái cây tươi chủ lực được chứng nhận OCOP như: chuối, sầu riêng, bưởi..., qua đó góp phần xây dựng thương hiệu cho các đặc sản trái cây thế mạnh của các địa phương.

Đa dạng sản phẩm OCOP trái cây tươi

Đặc thù của trái cây tươi là tập trung thu hoạch, tiêu thụ trong một thời điểm, khoảng thời gian nhất định. Chính vì vậy, đầu ra cho sản phẩm trái cây tươi thường bấp bênh, dễ rơi vào tình trạng rộ mùa rớt giá, được giá mất mùa. Chính vì vậy, việc xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm trái cây tươi gắn với uy tín chất lượng càng có ý nghĩa quan trọng. Nhiều chủ thể chọn làm sản phẩm OCOP cho các đặc sản trái cây tươi đã có tiếng thơm lâu năm trên thị trường.

Đặc sản bưởi đường lá cam Tân Triều là giống bưởi đặc biệt trong tất cả các giống bưởi có ở Việt Nam. Câu chuyện về bưởi Tân Triều còn là một nét văn hóa của cả một vùng quê có lịch sử hàng trăm năm. Đây là một trong số ít đặc sản trái cây tươi của Đồng Nai được chứng nhận chỉ dẫn địa lý quốc gia.

Giám đốc Công ty TNHH Cô Ba Chuyên (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) Nguyễn Thị Hồng Quyên chia sẻ: “Bưởi Tân Triều là đặc sản nổi tiếng của Đồng Nai, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết tiếng. Khởi nghiệp với dòng sản phẩm quê hương, tôi xây dựng sản phẩm OCOP cho bưởi đường lá cam với mong muốn góp một phần nhỏ của mình để nâng cao giá trị thương hiệu cho loại đặc sản này”.

Với diện tích hơn 600 hécta, sầu riêng là cây chủ lực của phường Xuân Lập, thành phố Long Khánh. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ thương mại Xuân Lập Trịnh Cao Khải cho biết, HTX hiện có 91 thành viên với gần 120 hécta sầu riêng. Sản phẩm sầu riêng của HTX đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu càng khẳng định chất lượng sầu riêng của địa phương. Đặc biệt, đến nay HTX đã có 13 xã viên đã liên kết với nhau làm du lịch vườn.

Theo ông Khải: “Du khách nói riêng và người tiêu dùng nói chung ngày càng ưu tiên lựa chọn sản phẩm trái cây an toàn. Chính vì vậy, HTX đã đầu tư làm OCOP cho sản phẩm sầu riêng với mong muốn xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm thế mạnh của địa phương”.

Tập trung khâu quảng bá

Tập trung chuyển đổi sản xuất, không ngừng nâng cao thu nhập cho nông dân là một trong những thành quả nổi bật của huyện Xuân Lộc trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng hiệu quả kém sang những cây trồng cho lợi nhuận cao, nhất là hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái. Chương trình OCOP của huyện cũng tập trung xây dựng thương hiệu cho các đặc sản trái cây tươi của địa phương với nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP như: sầu riêng của HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định; chôm chôm của HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại Bảo Hòa; xoài của HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại và du lịch Suối Lớn; xoài của HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Bàu Sình...

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (thứ 2 từ phải qua) và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa trái) cùng các đồng chí lãnh đạo
tham quan gian hàng sản phẩm trái cây của Đồng Nai (trong đó có sản phẩm OCOP) tại Lễ công bố huyện Xuân Lộc đạt chuẩn Huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023. Ảnh: BÌNH NGUYÊN
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (thứ 2 từ phải qua) và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa trái) cùng các đồng chí lãnh đạo tham quan gian hàng sản phẩm trái cây của Đồng Nai (trong đó có sản phẩm OCOP) tại Lễ công bố huyện Xuân Lộc đạt chuẩn Huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Tuy nhiên, đa số sản phẩm trái cây tươi OCOP vẫn gặp nhiều khó khăn để tìm được chỗ đứng riêng trên thị trường, cũng như để khách hàng nhận diện sản phẩm OCOP.

HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định là một trong những đơn vị sớm làm chứng nhận OCOP cho sản phẩm sầu riêng. Đây cũng là số ít đơn vị thực hiện Dự án Cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định Đặng Thị Thúy Nga cho hay, đến nay HTX đã mở rộng quy mô diện tích vùng chuyên canh sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP lên 120 hécta, tăng gần gấp đôi so với trước. HTX đầu tư nâng sao cho sản phẩm OCOP sầu riêng với mong muốn xây dựng thương hiệu cho loại đặc sản này để có thể tiếp cận các kênh tiêu thụ hiện đại, uy tín. Tuy nhiên đến nay, ngoài thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, HTX vẫn khó kết nối đưa sản phẩm này vào hệ thống siêu thị tiêu thụ hoặc xuất khẩu đi các thị trường khó tính khác.

Về câu chuyện xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trái cây tươi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng nhận xét, nhiều chủ thể là nông dân, các HTX, doanh nghiệp quan tâm làm chứng nhận OCOP cho sản phẩm trái cây tươi. Theo đó, hiện Đồng Nai có nhiều sản phẩm trái cây tươi được gắn sao OCOP. Trong đó, hoạt động xúc tiến, quảng bá cho sản phẩm OCOP nói chung, sản phẩm OCOP trái cây tươi nói riêng ngày càng được chú trọng với nhiều chương trình thiết thực, hiệu quả. Sản phẩm OCOP trái cây tươi trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ tham gia nhiều hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Nhiều sản phẩm OCOP trái cây tươi gắn với mô hình du lịch nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm.

Bình Nguyên

 

Từ khóa:

sản phẩm OCOP

Tin xem nhiều