Báo Đồng Nai điện tử
En

Kịp thời ngăn chặn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

Hải Quân
07:15, 24/07/2024

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về sở hữu trí tuệ, nhãn hàng hóa.

Lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, niêm phong hàng hóa là sách giáo khoa các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa của Doanh nghiệp tư nhân T.T. (thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) vào tháng 5-2024. Ảnh: C.T.V

Các hình thức làm hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, đa dạng, từ những mặt hàng có giá trị thấp đến mặt hàng có giá trị cao, từ đơn giản đến loại có công nghệ hiện đại, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử, các hình thức mua hàng qua mạng xã hội ngày càng phát triển.

Liên tục kiểm tra, phát hiện vi phạm

Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng quản lý thị trường trong tỉnh đã kiểm tra 853 trường hợp và phát hiện 719 vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Tổng số tiền thu phạt nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 5,4 tỷ đồng. Riêng vi phạm về hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ có 9 vụ, tổng số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước hơn 151 triệu đồng; vi phạm nhãn hàng hóa có 37 vụ, tổng số tiền phạt hơn 812 triệu đồng.

Đơn cử, vào cuối tháng 5-2024, đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Công an huyện Nhơn Trạch kiểm tra đột xuất Doanh nghiệp tư nhân T.T. (địa chỉ tại tổ 11, khu phố Mỹ Khoan, thị trấn Hiệp Phước), do ông N.T.T. làm chủ doanh nghiệp. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện doanh nghiệp đang kinh doanh, buôn bán các loại sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gồm hơn 33,8 ngàn bản phẩm các loại. Tổng giá trị hàng hóa theo giá bán niêm yết khoảng 607 triệu đồng.

Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, qua công tác kiểm tra thị trường, xử lý vi phạm trong 6 tháng đầu năm nay, các nội dung vi phạm chủ yếu như: hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng ngoại nhập lậu, vi phạm trong lĩnh vực giá, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, các vi phạm về nhãn hàng hóa, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Toàn bộ số hàng hóa là sách giáo khoa, trên bìa có logo “GD”, ghi tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, có tem chống hàng giả có dấu hiệu giả mạo sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, ông N.T.T. chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ của toàn bộ số hàng hóa này. Lực lượng chức năng đang thực hiện thẩm tra, xác minh toàn bộ số sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa nói trên để xử lý theo quy định.

Vào tháng 6-2024, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Đồng Nai) đã tiến hành kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với hộ kinh doanh Đ.T.M. (ở phường An Bình, thành phố Biên Hòa). Qua kiểm tra hàng hóa, lực lượng quản lý thị trường xác định hộ kinh doanh Đ.T.M. đã có hành vi buôn bán 500 đôi dép các loại giả mạo nhãn hiệu Crocs (nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam). Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 85 triệu đồng. UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Đ.T.M. tổng số tiền 70 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số lượng hàng hóa vi phạm.

Hàng giả “tràn lan” trên các kênh mua sắm trực tuyến

Hiện nay, việc xử lý các vi phạm trong kinh doanh hàng hóa trực tuyến đang gặp thách thức lớn bởi việc xử lý ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn rất nhiều. Bên cạnh các mặt hàng phổ biến là quần áo, đồ tiêu dùng..., những sản phẩm chăm sóc sức khỏe như: thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, thực phẩm cho mẹ và bé... cũng được bày bán tràn lan qua các kênh live stream mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người dân hiện có xu hướng mua hàng online, thường lên sàn thương mại điện tử, xem live stream để “săn” cho bằng được sản phẩm giá rẻ mà không chú trọng đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Nhiều sản phẩm của các thương hiệu nước ngoài, trên vỏ hộp thể hiện đầy đủ nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... được chào bán với giá chỉ bằng 1/2 giá hàng nhập khẩu chính thức nên đánh vào tâm lý người tiêu dùng.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra và phát hiện lô hàng hóa gồm 500 đôi dép các loại giả mạo nhãn hiệu Crocs (nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam) tại hộ kinh doanh Đ.T.M (phường An Bình, thành phố Biên Hòa) vào tháng 6-2024. Ảnh: CTV

Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu, doanh thu của các doanh nghiệp, thương hiệu chân chính, mà còn xâm phạm đến quyền lợi, tài chính, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Chị Hoàng Anh Thư (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) cho hay, vì công việc bận rộn nên chị thường tranh thủ mua sắm, lựa chọn sản phẩm thời trang, tiêu dùng, thậm chí nhiều loại thực phẩm chức năng trên các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội Facebook, TikTok.

“Dù đã rất cẩn thận tìm hiểu nhưng không ít lần tôi mua phải hàng giả, hàng nhái vì thủ đoạn quảng cáo, giới thiệu của các gian hàng, trang mạng xã hội khá tinh vi. Chỉ khi sử dụng hàng hóa đối chiếu với những sản phẩm hàng thật từng mua trực tiếp tại siêu thị, cửa hàng mới nhận biết được đâu là hàng thật. Tôi mong muốn có thêm nhiều lớp bảo vệ người tiêu dùng như tem, công cụ quản lý sản phẩm hàng hóa” - chị Anh Thư chia sẻ.

Tại Hội nghị Sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389/ĐP) tỉnh vào giữa tháng 7-2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm, các đơn vị chức năng, thành viên Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh cần tiếp tục thực hiện kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh và chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm…  

Hải Quân

Tin xem nhiều