Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ nông dân khởi nghiệp làm giàu

Bình Nguyên
07:26, 06/07/2024

Mỗi năm, Đồng Nai có hàng chục ngàn hộ nông dân đăng ký tham gia Phong trào Thi đua sản xuất giỏi các cấp. Phong trào này đã khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho nông dân, liên kết sản xuất cùng giúp nhau làm giàu.

Anh Võ Văn Tâm (nông dân tại xã An Phước, huyện Long Thành) giới thiệu mô hình Trồng dưa lưới trong nhà màng cho thu nhập cao.
Anh Võ Văn Tâm (nông dân tại xã An Phước, huyện Long Thành) giới thiệu mô hình Trồng dưa lưới trong nhà màng cho thu nhập cao. Ảnh: B.NGUYÊN

Phong trào này còn khuyến khích nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhiều mô hình hay

Sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong những phong trào trọng tâm của hội nông dân các cấp. Với nhiều cách làm thiết thực, phong trào đã thu hút, khích lệ hàng chục ngàn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh phát huy ý chí tự lực, đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích  cực khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương và nội lực gia đình để vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Theo đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ... không ngừng được nhân rộng.

Ông Trần Quang Hiệp (ngụ xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) là nông dân đầu tiên của Đồng Nai có vườn sầu riêng được cấp chứng nhận hữu cơ. Ông cũng là nông dân đi tiên phong trong trồng giống sầu riêng DONA (đặc sản sầu riêng của Đồng Nai) cho chất lượng trái ngon, từng xuất khẩu đi Mỹ và các thị trường khó tính khác. Gần 20 năm gắn bó với cây sầu riêng, ông Hiệp không ngừng học hỏi kiến thức, kinh nghiệm để hiểu rõ kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng này. Từ cả chục năm trước, ông đã có ý thức trồng sầu riêng an toàn, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học cho vườn cây để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Đây là thuận lợi rất lớn để ông chuyển đổi vườn sầu riêng sang sản xuất hữu cơ và sớm đạt được chứng nhận như hiện nay. Là Tổ trưởng Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế, ông đang tích cực hỗ trợ các tổ viên với mục tiêu xây dựng được vùng chuyên canh sầu riêng đạt chuẩn hữu cơ gắn với thương hiệu đặc sản sầu riêng của Đồng Nai.

Hội nông dân các cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, công ty cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, máy nông nghiệp... theo phương thức trả chậm, giúp cho hội viên nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.

Không riêng những địa phương thuần nông tập trung phát triển nông nghiệp mới có nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, các huyện đang đẩy mạnh đô thị hóa cũng có nhiều gương nông dân sản xuất giỏi, làm giàu từ nghề nông.

Anh Võ Văn Tâm, nông dân tại xã An Phước (huyện Long Thành) đã đầu tư cả ngàn m2 nhà màng trồng dưa lưới. Anh ứng dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất từ khâu giống, hệ thống tưới tiết kiệm đến các kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Anh cũng đi đầu tại địa phương khi sử dụng phân trùn quế, phân cá làm nguồn phân bón chính để trồng dưa lưới trong nhà màng theo hướng hữu cơ. Anh còn đầu tư hệ thống lọc nước đảm bảo nguồn nước tưới sạch cho cây trồng, sử dụng đàn ong nuôi để thụ phấn cho vườn cây đạt hiệu quả. Sản phẩm đạt chất lượng cao được thương lái săn đón nên anh thu được lợi nhuận tốt. Do đó, anh vừa mạnh dạn đầu tư nhân rộng diện tích nhà màng thêm 1,2 hécta trồng dưa lưới và các loại rau quả khác. 

Ông Nguyễn Trường Đại là nông dân tiên phong ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm công nghiệp ở xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch). Nhờ ứng dụng công nghệ nuôi mới như: lót bạt ny-lông ở đáy ao, làm lưới che phía trên ao nuôi, có hệ thống xử lý nước ao, máy cho tôm ăn tự động…, ông có thể nuôi lên 4-5 vụ/năm, năng suất tôm mỗi vụ nuôi cao gấp nhiều lần so với nuôi ao đất, trở thành nông dân triệu phú tại địa phương.

Đồng hành cùng nông dân khởi nghiệp

Từ đầu năm, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua của hội, đặc biệt là Phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 32,6 ngàn hộ đăng ký danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp năm 2024.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thống Nhất Nguyễn Thế Vinh cho biết, đi đôi với phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, hội nông dân cơ sở còn tích cực vận động cán bộ, hội viên nông dân tương trợ, giúp nhau để vượt khó, phát triển sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã vận động các hộ khá, giàu giúp đỡ hộ nghèo mượn vốn không lấy lãi với số tiền 460 triệu đồng; 641 công lao động; giúp đỡ 98 hộ về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phổ biến kinh nghiệm sản xuất... Trong đó, các tổ hợp tác, hợp tác xã được hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như: mô hình Sản xuất sầu riêng - chôm chôm tại xã Quang Trung; mô hình Trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Gia Tân 3; mô hình Trồng dưa leo hướng hữu cơ tại xã Bàu Hàm 2; Trồng rau khí canh tại xã Quang Trung...

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Định Quán Nguyễn Trường Tiến cho hay, qua Phong trào Thi đua sản xuất giỏi, nông dân đã cùng trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình hay, hiệu quả. Hội Nông dân huyện rất quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Từ các mô hình hộ nông dân sản xuất giỏi, một số địa phương bắt đầu tập hợp được các tổ hợp tác, hợp tác xã với các xã viên sản xuất giỏi để hình thành những vùng chuyên canh sản xuất giỏi.

Theo ông Phạm Văn Lãm, Trưởng ấp 12, xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ), địa phương đang thí điểm xây dựng vùng chuyên canh kiểu mẫu cây sầu riêng và cây ăn trái với diện tích 110 hécta. Vùng trồng này được đầu tư đồng bộ hệ thống đường giao thông, nguồn điện, nguồn nước phục vụ sản xuất. Các hộ nông dân trong vùng đều tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: sử dụng giống mới, hệ thống tưới nước tiết kiệm, sản xuất theo hướng hữu cơ. Trong các nhà vườn, cây trồng được trồng ngay hàng, thẳng lối, được đánh số để quản lý đến từng cây trồng suốt quá trình sinh trưởng, nhất là kịp thời xử lý khi xuất hiện sâu bệnh.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều