Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ doanh nghiệp từ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng

Văn Gia
07:06, 29/07/2024

Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,4% trong 6 tháng đầu năm 2024, cùng sự khởi sắc của nhiều ngành kinh tế mũi nhọn là cơ sở để kỳ vọng về sự tăng trưởng kinh tế năm nay. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ môi trường kinh doanh và những khó khăn của doanh nghiệp (DN) cho thấy, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Các doanh nghiệp Đồng Nai tham quan một mặt hàng sản phẩm của doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo ở Biên Hòa.
Các doanh nghiệp Đồng Nai tham quan một mặt hàng sản phẩm của doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo ở Biên Hòa. Ảnh:V.Gia

Cầu tiêu dùng yếu sẽ làm khó DN. Giải quyết bài toán kích cầu sẽ không chỉ là liều thuốc kích thích động lực của DN mà còn góp phần thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Thị trường nội địa vẫn yếu

Tiêu dùng nội địa là một trong 3 trụ cột tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế cùng với xuất khẩu và đầu tư công. Trong khi xuất khẩu đang có bước phục hồi khá rõ nét thì tiêu dùng nội địa, “điểm tựa” của đại đa số DN sản xuất trong nửa cuối năm 2024 vẫn đang là một ẩn số.

Trên bình diện cả nước, khảo sát của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy tâm lý của nhiều DN đang lo ngại nhu cầu yếu từ thị trường nội địa. Theo đó, Bộ này phối hợp với các hiệp hội DN khảo sát trên 30 ngàn DN và 20 hiệp hội của cả nước. Kết quả cho thấy, khó khăn lớn nhất là nhu cầu thị trường thấp, áp lực cạnh tranh và chi phí sản xuất tăng cao.

Theo thông lệ, thị trường nội địa nửa cuối năm sẽ có nhu cầu cao hơn  để chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết… Tâm lý của các DN hiện nay vẫn đang cẩn trọng để nghe ngóng, phân tích kỹ hơn rồi mới có giải pháp chuẩn bị nguồn hàng phù hợp.

Trong đó, hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 53,4% và 50,4%.

Bên cạnh nhu cầu thị trường yếu thì các DN cho rằng, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào; chi phí vận tải, kho bãi; chi phí các dịch vụ tăng cao vẫn là khó khăn lớn. Cùng với đó là những vấn đề khác như: lãi suất vay vốn tuy đã giảm hơn trước nhưng vẫn còn cao; các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo đang làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh... Đây cũng đang là vấn đề của DN tại Đồng Nai.

Công ty TNHH Tam Long Hưng Phát (thành phố Biên Hòa) là đơn vị chuyên thương mại hóa các sản phẩm công nghiệp, máy móc phụ tùng phục vụ ngành sản xuất. Ông Nguyễn Văn Huynh, Giám đốc công ty, nhận định thị trường hiện nay vẫn đang yếu. Số lượng đơn hàng mới từ các đối tác chững lại nên DN đang phải nỗ lực để tìm thêm đối tác, đồng thời chăm sóc tốt hơn khách hàng cũ nhằm giữ mối trong thời buổi khó khăn.

Gia tăng các giải pháp hỗ trợ DN

Theo Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, qua khảo sát thì có tới 40% người tiêu dùng sẽ giảm mức mua sắm so với 2023, trong khi 30% tăng không đáng kể và 30% còn lại giữ nguyên mức chi tiêu. Điều này cho thấy trong bối cảnh vật giá hàng hóa và nguyên vật liệu có xu hướng tăng, mức chi tiêu của người tiêu dùng có phần đang giảm sút.

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khiến DN sản xuất hàng hóa phải tính toán lại kế hoạch sản xuất trong những tháng cuối năm. Chị Nguyễn Thị Phương (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, thu nhập của gia đình so với 2023 không tăng nhưng lại phải chi thêm nhiều khoản, nhất là phải lo cho việc học tập của con cái nên chị sẽ cắt giảm chi tiêu vào những khoản có thể tiết kiệm được.

Hiện DN đang tìm mọi cách bán hàng, về phía Nhà nước cũng xây dựng các chương trình hỗ trợ DN. Theo Sở Công thương, thời gian qua, Đồng Nai đã tăng cường chương trình xúc tiến thương mại cho DN, hợp tác xã cũng như đẩy mạnh chương trình tiêu thụ hàng Việt Nam trên địa bàn.

Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở Công thương, cho hay các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh được chắt lọc một cách chặt chẽ, phù hợp với ngành hàng từng thị trường, với điều kiện và khả năng của các DN. Điều này giúp tạo cầu nối giao thương để DN có thêm cơ hội tìm hiểu và kết nối nhau, tìm kiếm nhà phân phối.

Trong khi đó, Hiệp hội DN Đồng Nai mong tỉnh và các sở, ngành liên quan có các chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí... để DN có cơ hội phục hồi và phát triển trong tình hình mới. Đồng thời, cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận các nguồn thông tin cũng như các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước. Từ đó hợp tác với các đối tác về nguồn nguyên vật liệu, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cũng như đầu tư.

Văn Gia

Tin xem nhiều