Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai sẽ có thêm khu công nghiệp sinh thái

Hoàng Lộc
07:30, 13/07/2024

Đồng Nai có Khu công nghiệp (KCN) Amata đang thí điểm mô hình KCN sinh thái. KCN Long Đức tới đây cũng áp dụng bộ tiêu chí này với mục đích cải thiện chất lượng môi trường sinh thái và môi trường kinh doanh.

Khu công nghiệp Long Đức hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2024.
Khu công nghiệp Long Đức hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2024. Ảnh: H.LỘC

Bên cạnh đó, các KCN thành lập mới từ nay trở về sau phải theo tiêu chí xanh, sinh thái về xây dựng và môi trường.

Sắp có KCN sinh thái sớm nhất cả nước

Năm 2020, Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện Dự án Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu. Trong số hơn 300 KCN của cả nước, có 3 KCN được chọn thí điểm, trong đó có KCN Amata ở Đồng Nai. Sau hơn 3 năm triển khai, KCN Amata đã đạt 86% điểm theo bộ tiêu chí đánh giá.

Trưởng ban Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Nguyễn Trí Phương cho biết, mô hình xây dựng KCN sinh thái nhằm hướng đến 4 mục tiêu chính: kinh tế, môi trường, xã hội và quản lý. Mô hình này phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc; cam kết thực hiện phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.

Trưởng ban Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Nguyễn Trí Phương cho biết, cuối năm nay hoặc năm 2025, đơn vị thực hiện dự án sẽ tiếp tục đánh giá mức độ hoàn thành các tiêu chí sinh thái của KCN Amata. Nếu đạt, Đồng Nai sẽ là một trong 3 địa phương có KCN sinh thái sớm nhất cả nước.

Ngoài Amata, KCN Long Đức tại huyện Long Thành đang có thiện chí xây dựng mô hình KCN xanh. Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức (chủ đầu tư hạ tầng KCN Long Đức) Ishii Hiroyuki cho biết, khu đang phối hợp với các bên liên quan thúc đẩy Dự án KCN xanh, thông minh. Dự án này sẽ tập trung xây dựng nền tảng dữ liệu KCN xanh, thông minh; nâng cao hiệu quả xử lý chất thải công nghiệp hướng tới không phát thải khí CO2; tiết kiệm năng lượng.

“Chúng tôi đã có các buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai về đề xuất thực hiện Dự án KCN xanh thông minh. Việc này vừa tạo lợi thế cạnh tranh cho KCN, vừa góp phần cải thiện chất lượng môi trường cho các KCN của tỉnh” - ông Ishii Hiroyuki nói.

KCN công nghệ cao Long Thành dù chưa hình thành đã vạch ra chiến lược xanh, sinh thái. Theo bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thành phố Amata Long Thành (chủ đầu tư hạ tầng KCN), các dự án sản xuất trong khu phải có công nghệ cao và thân thiện với môi trường; khu sẽ đảm bảo hệ thống xử lý chất thải sử dụng công nghệ thông minh; có nhà ở, có khu thương mại dịch vụ phục vụ chuyên gia, công nhân và cộng đồng dân cư.

Một số KCN đang hoạt động quan tâm đến việc áp dụng các tiêu chí xanh, sinh thái để chuyển đổi mô hình phát triển là: KCN Suối Tre tại thành phố Long Khánh, KCN Nhơn Trạch 6 tại huyện Nhơn Trạch.

Phát triển KCN mới theo 3 cấp độ

Tại dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh giao Ban Quản lý các KCN Đồng Nai chủ trì thực hiện chuyển đổi xanh ở các KCN.

Các nhiệm vụ cụ thể là xanh hóa các KCN hiện hữu thông qua chuyển đổi sang sử dụng điện sạch như: điện mặt trời áp mái, điện rác hoặc điện sinh khối; tiết kiệm điện thông qua cải tiến công nghệ và quản lý lưới điện thông minh, tuần hoàn năng lượng. Cải tiến công nghệ xử lý khí, rác, nước, bùn thải. Tăng mật độ cây xanh trong KCN.

Đối với các KCN mới hình thành phải đảm bảo theo 3 cấp độ: KCN sinh thái, KCN carbon thấp (low carbon), KCN phát thải ròng net zero nhằm giảm phát thải khí nhà kính còn hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, Đồng Nai tới đây sẽ tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, việc chuẩn bị hạ tầng KCN tốt là yêu cầu cấp thiết. Mô hình KCN sinh thái gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ được đánh giá, nhân rộng.

Lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng, cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật KCN xanh, KCN sinh thái từ các bộ, ngành; cần có chính sách ưu đãi về tài chính cho các KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái để khuyến khích chuyển đổi, nhân rộng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tại Hội nghị Đánh giá 6 tháng triển khai thực hiện Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cho rằng, phát triển các KCN theo hướng xanh, sinh thái là xu thế, là yêu cầu tất yếu.

Đối với các KCN hiện hữu phải xanh hóa từng bước bằng cách nâng cấp hạ tầng giao thông, hệ thống xử lý chất thải, áp dụng công nghệ số trong quản lý; doanh nghiệp sản xuất trong khu phải đổi mới công nghệ, thực hiện giảm phát thải. Các KCN mới buộc phải làm tốt từ đầu các hạ tầng: cung cấp nước, điện, xử lý nước thải, giao thông kết nối thì mới thu hút được nhà đầu tư thứ cấp tốt. Khi đó doanh nghiệp mới đáp ứng tiêu chí xanh của đối tác và thị trường xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu giảm phát thải của tỉnh.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều