Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp chế biến, chế tạo kiến nghị gỡ khó về thị trường

Văn Gia
07:05, 08/07/2024

Trong 6 tháng đầu năm, công nghiệp chế biến, chế tạo của Đồng Nai cũng như cả nước tiếp tục phục hồi, là bệ đỡ cho nền kinh tế. Với những tín hiệu tích cực, các doanh nghiệp (DN) đang tận dụng thời cơ để tăng tốc, hoàn thành cao nhất các mục tiêu sản xuất, kinh doanh trong năm nay. Đồng thời, Chính phủ đặt quyết tâm khắc phục hạn chế, bất cập, vượt qua khó khăn, thách thức; nỗ lực phấn đấu tăng trưởng 6,5-7% trong quý III.

Công nghiệp chế biến, chế tạo đang có sự phục hồi tốt. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ ở Biên Hòa.
Công nghiệp chế biến, chế tạo đang có sự phục hồi tốt. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ ở Biên Hòa. Ảnh:V.Gia

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng cuối năm 2024, các DN kiến nghị được hỗ trợ về lãi suất; nguồn nguyên, vật liệu đầu vào; chính sách thuế, phí, lệ phí; điều kiện và thủ tục vay vốn…

Chế biến, chế tạo phục hồi 

Tại Đồng Nai, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 có tiến triển, đặc biệt từ đầu quý II, do kinh tế thế giới từng bước phục hồi dần, đơn hàng sản xuất tăng đáng kể. Các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp đã chủ động khắc phục khó khăn về nguyên liệu đầu vào, đổi mới quy trình sản xuất, tìm kiếm đơn hàng, thị trường tiêu thụ để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng hơn 6,6% so cùng kỳ năm trước. Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai, các ngành sản xuất công nghiệp hầu hết tăng so với cùng kỳ năm trước, do năm nay đơn hàng của các DN ngành chế biến chế tạo tăng khá và có nhiều hợp đồng mới. Công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi kéo theo nền kinh tế có sự tăng trưởng bởi đây là khu vực có tỷ trọng lớn trong xuất khẩu cũng như tiêu thụ.

Trong tháng 6, cả nước có 15,7 ngàn DN đăng ký thành lập mới, tăng hơn 19% so với tháng 5. Tính chung 6 tháng có 80,5 ngàn DN thành lập mới, tăng hơn 6% và 39,1 ngàn DN hoạt động trở lại, tăng gần 4% so với cùng kỳ.

Đối với cả nước, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp quý II tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng gần 11%. Giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II đạt cao hơn so với quý I. Trong đó, xuất khẩu giày dép tăng 26%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng gần 10%; dệt, may tăng hơn 8%...

Có đến 56 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, tăng trưởng GDP quý II cả nước đạt 6,93%, 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, vượt kịch bản đề ra, là mức cao ở khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

 Phấn đấu tăng trưởng 6,5 đến 7% trong quý III

Từ kết quả của nửa đầu năm, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổ chức ngày 6-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, hai quý cuối năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì để phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch năm 2024.

Mục tiêu của Chính phủ là phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6,5%-7% trong quý III, sau đó xác định mục tiêu phù hợp trong quý IV; lạm phát giữ ở mức dưới 4,5%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và có thặng dư, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ quốc gia; giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nếu đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh hơn, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có khả năng sẽ đạt, thậm chí vượt cận trên mục tiêu Quốc hội đề ra 6,5%. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, sản xuất công nghiệp có tăng trưởng nhưng phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu lớn. Trong khi đó thị trường nội địa thì lực cầu vẫn yếu, sức mua trong nước 6 tháng đầu năm nay tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đã làm việc với 20 hiệp hội và khảo sát khoảng 30 ngàn DN. Kết quả khảo sát cho thấy, khó khăn lớn nhất của DN là nhu cầu thị trường thấp, áp lực cạnh tranh và chi phí sản xuất tăng cao. Một bộ phận không nhỏ DN khó khăn về tài chính, lãi suất vay vốn và thủ tục hành chính.

Ông Võ Văn Mạnh Em, Phó giám đốc Công ty CP Domilk (huyện Long Thành), chia sẻ thị trường tiêu thụ của DN đang bị chững lại. Do đó, công ty mong muốn các cơ quan, ban ngành liên quan thúc đẩy du lịch phát triển, từ đó nâng nhu cầu của du khách đối với các sản phẩm bánh kẹo đặc sản của DN. Bên cạnh đó, DN cũng mong muốn được tham gia nhiều hơn các chương trình xúc tiến thương mại để nhận diện thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.

                                      Văn Gia

Tin xem nhiều