Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 (có thể có hiệu lực từ ngày 1-8-2024) quy định đô thị loại I và loại đặc biệt sẽ không phát triển các khu tái định cư (TĐC) bố trí chỗ ở cho người dân bị thu hồi đất ở, nhà ở. Thay vào đó, chính quyền phải đặt hàng hoặc mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, trả tiền TĐC cho người dân.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (bìa trái) đi kiểm tra dự án nhà ở xã hội của Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát dự kiến phục vụ nhu cầu tái định cư Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: L.AN |
Mặc dù chưa chính thức có hiệu lực song địa phương lo khó thực hiện.
Phải mua nhà ở để TĐC cho dân
Điều 49 Luật Nhà ở năm 2023 về nguyên tắc phát triển nhà ở phục vụ TĐC nêu, trường hợp giải tỏa nhà ở để xây dựng công trình khác theo quy hoạch đã được phê duyệt tại đô thị loại I và tại phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt, nếu có nhu cầu TĐC tại chỗ thì thực hiện bố trí nhà ở phục vụ TĐC cho người có nhà ở bị giải tỏa theo một trong 3 hình thức: đặt hàng hoặc mua nhà ở thương mại được xây dựng theo dự án để bán, cho thuê mua, cho thuê cho người được TĐC; bố trí cho người được TĐC mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội xây dựng theo dự án; người được TĐC được thanh toán tiền để tự mua, thuê mua, thuê nhà ở.
Trường hợp người dân không có nhu cầu TĐC tại chỗ thì căn cứ điều kiện của địa phương, việc bố trí TĐC, ngoài 3 hình thức nói trên sẽ có 3 hình khác: xây dựng nhà ở theo dự án để bán, cho thuê mua, cho người được TĐC thuê; bố trí nhà ở cho người được TĐC trong dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; bố trí TĐC theo quy định của pháp luật về đất đai.
Theo quy định trên, thành phố Biên Hòa sẽ không phát triển các khu TĐC để phân lô, cấp nền cho hộ dân thuộc trường hợp được bố trí TĐC như hiện tại. Nếu người dân có nhu cầu TĐC tại chỗ, thành phố phải đặt hàng hoặc mua nhà ở thương mại hoặc mua nhà ở xã hội hoặc trả tiền TĐC cho người dân.
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, khi Luật Nhà ở có hiệu lực sẽ rất “kẹt” cho thành phố Biên Hòa trong việc bố trí TĐC cho người dân. Cũng theo ông Hà, thành phố Biên Hòa đang có nhu cầu lớn về chỗ ở TĐC, địa phương cũng quy hoạch nhiều khu đất để làm hạ tầng TĐC nhưng thủ tục pháp lý chưa xong. Điển hình là 2 khu TĐC phục vụ Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang “chạy đua” thủ tục để khởi công trong năm 2024, trước thời điểm luật có hiệu lực.
Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cũng có ý kiến, thành phố đang thiếu quỹ đất TĐC và nhà ở cho người có thu nhập thấp. Sắp tới, Dự án Khu đô thị tại phường Hiệp Hòa và nhiều dự án khác của thành phố, của tỉnh cũng phải thực hiện TĐC. Việc không được phát triển các khu TĐC sẽ gia tăng áp lực giải quyết chỗ ở cho người dân, ảnh hưởng đến việc giải phóng mặt bằng triển khai các dự án.
Lo khó thực hiện
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định đặt hàng hoặc mua nhà ở thương mại, mua nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu TĐC cho người dân theo hình thức bán, cho thuê, cho thuê mua sẽ khó thực hiện. Nguyên nhân là các dự án nhà ở thương mại tại đô thị loại I hoặc đô thị loại đặc biệt thường là nhà ở cao cấp, giá cao và khi bố trí TĐC trong nhà ở thương mại vô hình trung đây sẽ trở thành dự án nhà ở hỗn hợp thương mại - TĐC. Còn bố trí nhà ở xã hội để TĐC thì hầu hết các đô thị đang thiếu quỹ nhà này.
Bên cạnh yếu tố trên, hiện cả Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024 đều có quy định về TĐC cho người dân bị thu hồi đất ở. Trong đó, Luật Đất đai năm 2024 quy định, việc bố trí nhà ở TĐC phải được thực hiện trước khi thu hồi và giải tỏa nhà ở…, nhà ở được TĐC phải bảo đảm có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Trong trường hợp quỹ nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội không có sẵn, chắc chắn câu chuyện TĐC đi sau thu hồi đất sẽ lặp lại.
Hiện thành phố Biên Hòa thiếu khoảng 1 ngàn lô đất TĐC cho các dự án đang triển khai (chưa kể Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu). Bên cạnh đó, nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rất nhiều. Nếu không được phát triển các khu TĐC nữa, khả năng áp lực nhà ở sẽ gia tăng và việc vận động người dân đồng thuận nhường đất cho dự án sẽ khó khăn hơn.
Hiện tại, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định thi hành Luật Nhà ở năm 2023. Tại các lần lấy ý kiến, địa phương vẫn còn băn khoăn quy định về hình thức đặt hàng nhà ở thương mại để TĐC, cơ chế áp dụng, việc ký hợp đồng đặt hàng nhà ở TĐC, mẫu hợp đồng mua nhà ở thương mại phục vụ TĐC…
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, thành phố Biên Hòa có nhu cầu cao về chỗ ở TĐC cho người dân, không chỉ ở hiện tại mà còn trong thời gian tới. Việc thiếu quỹ đất, nhà TĐC chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án. Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường nghiên cứu kỹ các quy định, góp ý vào dự thảo nghị định thi hành Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023.
Lê An
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin