Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy định hành lang bảo vệ nguồn nước: Người dân có bị mất đất?

Ban Mai
08:19, 13/06/2024

Gần đây, khi lộ giới hành lang bảo vệ nguồn nước (BVNN) được cập nhật trên bản đồ địa chính, nhiều người lo ngại bị mất đất. Tuy nhiên, hành lang BVNN là quy định của pháp luật nhằm quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước bền vững.

Sông Đồng Nai đoạn qua thành phố Biên Hòa có phạm vi hành lang bảo vệ 20-30m mỗi bên bờ. Ảnh: P.Tùng
Sông Đồng Nai đoạn qua thành phố Biên Hòa có phạm vi hành lang bảo vệ 20-30m mỗi bên bờ. Ảnh: P.Tùng

Quy định không làm mất đất của người dân nhưng sẽ hạn chế một phần công năng.

* Phạm vi bảo vệ 5-30m

Đầu năm 2022, Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố hành lang BVNN theo Quyết định số 60/2022/QĐ-UBND ban hành ngày 27-12-2022 của UBND tỉnh Quy định quản lý hành lang BVNN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (Quyết định số 60). Theo đó, toàn tỉnh có 896 nguồn nước (sông, suối, kênh, rạch) và 33 hồ tự nhiên, hồ thủy lợi cần lập hành lang bảo vệ. Tùy theo quy mô và tính chất của nguồn nước, phạm vi hành lang bảo vệ từ 5-30m.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, các nguồn nước cần lập hành lang bảo vệ đều có tầm quan trọng đối với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Việc lập hành lang BVNN là để thực hiện các chức năng: bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ và phát triển hệ sinh thái thủy sinh; tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước.

Thời điểm hiện tại, tỉnh đã công bố các hành lang BVNN cần bảo vệ, một số địa phương đã cập nhật phạm vi hành lang BVNN lên bản đồ địa chính. Tuy nhiên, việc đo đạc, cắm mốc thực địa vẫn chờ hướng dẫn thi hành từ cơ quan trung ương. Trong thời gian này, các địa phương tiếp tục rà soát bất cập, thiếu sót để đề xuất điều chỉnh danh mục nguồn nước cần bảo vệ theo Quyết định số 60.

Theo Quyết định số 60, Đồng Nai có 929 nguồn nước cần lập hành lang BVNN. Trong đó, huyện Nhơn Trạch nhiều nhất với 186, huyện Xuân Lộc đứng thứ hai với 117 và thành phố Biên Hòa xếp thứ ba với 107 nguồn nước cần lập hành lang bảo vệ.

Sau khi có hướng dẫn và được điều chỉnh quyết định, UBND cấp huyện sẽ chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng phương án cắm mốc, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện. Việc cắm mốc sẽ được tiến hành trong khoảng 3-5 năm và ưu tiên cắm mốc các nguồn nước đang khai thác nước cấp sinh hoạt, chảy qua khu dân cư, khu sản xuất tập trung trước.

Đồng Nai có nguồn nước mặt dồi dào từ hệ thống sông, suối, hồ, đập. Nhờ đó, các hoạt động liên quan đến nguồn nước như: sinh hoạt của con người, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông thủy, du lịch thuận lợi. Thế nhưng, tình trạng xả chất thải ra môi trường, lấn chiếm hành lang sông, suối để xây dựng công trình từ nhiều năm trước đang ảnh hưởng đến nguồn nước. Quyết định số 60 nhằm bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn nước bền vững là cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên ở địa phương.

* Đảm bảo hài hòa lợi ích các bên

Thời gian gần đây, sau khi đường nét đứt màu đỏ của hành lang BVNN được cập nhật trên bản đồ địa chính, nhiều người dân tỏ ra lo lắng bị mất đất hay đất bị giảm giá trị trong trường hợp cầm cố tài sản hoặc giao dịch mua bán.

Chia sẻ về nội dung này, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, quy định trên nhằm để BVNN trước các nguy cơ ô nhiễm, không làm mất đất của người dân, nhưng sẽ hạn chế một phần công năng. Trong hành lang BVNN không được xây dựng công trình có nguy cơ gây ô nhiễm, đe dọa nguồn nước như: trang trại chăn nuôi, nhà ở, nghĩa trang, khu xử lý rác, cơ sở sản xuất… Các hoạt động khác như: trồng cây, xây tường rào bảo vệ đất, làm đường giao thông, bến cảng, công trình phòng, chống thiên tai vẫn bình thường.

Đối với các công trình đã xây dựng trước khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 60 thì không vi phạm, song tổ chức, cá nhân sinh sống, sản xuất, kinh doanh trong phạm vi hành lang BVNN phải tuân thủ các quy định như: không gây sạt lở, ảnh hưởng đến chức năng của hành lang BVNN, không tác động xấu đến cảnh quan và môi trường.

Tại Quyết định số 60, UBND tỉnh yêu cầu việc lập, quản lý hành lang BVNN phải đảm bảo yêu cầu BVNN, đồng thời phải bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan. Ranh giới hành lang BVNN được thể hiện trên bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bản đồ chồng ghép phạm vi hành lang BVNN trên nền bản đồ địa chính của 170 phường, xã, thị trấn. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác phải đảm bảo việc duy trì, phát triển các chức năng của hành lang BVNN.

Trước khi công bố hành lang BVNN, Đồng Nai đã có nhiều giải pháp hạn chế nguy cơ ô nhiễm, sạt lở ảnh hưởng đến nguồn nước. Đó là không phê duyệt các dự án sản xuất, kinh doanh triển khai gần nguồn nước, di dời hàng ngàn cơ sở chăn nuôi và chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, yêu cầu các đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Cùng với đó, tỉnh khuyến khích nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp xanh, tuần hoàn.

Ban Mai

Tin xem nhiều