Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhận diện “công ty ma” trục lợi hóa đơn điện tử

Ngọc Liên
07:01, 04/06/2024

Thời gian qua, các vụ việc liên quan đến mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) đã và đang được cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định. Những đối tượng vi phạm đã thành lập “công ty ma” để thực hiện hành vi mua bán hóa đơn nhằm trục lợi, gây khó khăn cho công tác quản lý hóa đơn, chứng từ và nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước…

Người nộp thuế làm thủ tục tại Cục Thuế Đồng Nai.
Người nộp thuế làm thủ tục tại Cục Thuế Đồng Nai. Ảnh minh họa: N.LIÊN

Nhằm cảnh báo người nộp thuế (NNT) không sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để trục lợi, Cục Thuế Đồng Nai đã có thông tin cảnh báo những thủ đoạn, hành vi sai trái và hậu quả pháp lý đối với việc mua, bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp; đồng thời, hướng dẫn NNT nhận diện “công ty ma” sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Xử lý nghiêm vi phạm trong sử dụng hóa đơn bất hợp pháp

Năm 2023, Cục Thuế Đồng Nai đã hoàn tất hồ sơ và chuyển sang cơ quan điều tra 3 doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu gian lận hoàn thuế GTGT với số tiền khoảng 700 tỷ đồng. Các DN trên có dấu hiệu vi phạm sử dụng hóa đơn đầu vào ở các lĩnh vực: thiết bị điện, nông sản, hạt nhựa, dây nhựa... Theo kết quả kiểm tra ban đầu, DN có dấu hiệu sử dụng hóa đơn GTGT đầu vào không hợp pháp của hàng chục DN nhằm trục lợi tiền hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, hành vi vi phạm này đã bị cơ quan thuế phát hiện và xử lý kịp thời.

Trước đó, Tổng cục Thuế đã công bố danh sách hơn 520 DN rủi ro về hóa đơn. Vì thế, khi phát hiện DN thuộc cơ quan thuế quản lý đã sử dụng hóa đơn của DN thuộc một trong số hơn 500 DN thì yêu cầu DN phải giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn để tính vào chi phí tính thuế thu nhập DN, khấu trừ thuế GTGT/hoàn thuế GTGT, hợp thức hàng hóa mua trôi nổi, buôn lậu.

Theo Cục Thuế Đồng Nai, những hóa đơn, chứng từ của DN sẽ được ngành thuế được lưu lại ít nhất 10 năm. Hiện nay, cơ quan quản lý thuế có đủ công cụ để truy lần ra các sai phạm. Do đó, DN nên lựa chọn chấp hành pháp luật thuế, không thành lập “ DN ma” để mua bán hóa đơn hay có các hành vi vi phạm hóa đơn GTGT.

Bà Trần Tuyết Thảo, giám đốc một DN mới thành lập tại thành phố Biên Hòa, cho biết bà thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại mời gọi mua hóa đơn GTGT. Theo bà Thảo, thời gian gần đây, tình trạng nhắn tin, điện thoại và gửi email mời gọi mua bán hóa đơn đầu vào để giảm hoặc hoàn một số thuế đã giảm bớt so với thời điểm năm 2023, nhưng việc rao bán vẫn tồn tại, gây phiền hà cho DN.

Trưởng phòng Tuyên truyền và hỗ trợ NNT, Cục Thuế Đồng Nai Trần Quảng Ninh cho biết, việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp không chỉ gây áp lực cho cơ quan quản lý nhà nước về thuế, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp được xem là hành vi trốn thuế. Khi phát hiện, ngoài xử lý vi phạm hành chính, theo quy định tại Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017, tội trốn thuế có hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam và phạt tiền đến 4,5 tỷ đồng…

Nhận diện “công ty ma”

Nhằm giúp NNT nhận diện “công ty ma” mua bán hóa đơn điện tử bất hợp pháp, Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai Nguyễn Văn Viện cho biết, Cục Thuế Đồng Nai vừa có thông tin đến NNT những dấu hiệu để nhận biết “công ty ma”. Dấu hiệu đầu tiên là sự nhận diện thông qua loại hình kinh doanh của “công ty ma” thường chọn đăng ký kinh doanh với hình thức công ty TNHH hoặc công ty cổ phần, DNTN. Hiện nay, việc thành lập một công ty mới khá dễ dàng, thủ tục đăng ký đơn giảm, nhanh chóng.

Việc thành lập DN dễ dàng đã tạo nên một lỗ hổng lớn liên quan đến việc quản lý, giám sát hoạt động của DN. Bởi, nhiều trường hợp thành lập DN chỉ để mua bán hóa đơn bất hợp pháp, gây áp lực cho cơ quan thuế trong công tác quản lý hóa đơn, chứng từ, đồng thời làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước.

Dấu hiệu nhận biết “công ty ma” tiếp theo là ngành nghề kinh doanh mà những đối tượng này đăng ký với cơ quan quản lý là các ngành nghề về dịch vụ tổng hợp, kinh doanh thương mại, hoặc những ngành nghề không phải đăng ký vốn pháp định hay phải được cấp chứng chỉ nghề nghiệp (bất động sản, du lịch…). Các “công ty ma” thường đăng ký địa chỉ giao dịch tại các trung tâm, văn phòng ảo hoặc thậm chí những địa chỉ không tồn tại nhằm dễ dàng trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan thẩm quyền và bỏ trốn ngay khi bị phát hiện. Bên cạnh đó, chúng có thể thành lập ở các khu vực có điều kiện dân trí không cao, thuê trụ sở trong thời gian ngắn. Thời gian hoạt động của một DN thường khá ngắn.

Dấu hiệu nhận biết nữa là các “công ty ma” thường yêu cầu thực hiện giao dịch bằng tài khoản ngân hàng do cá nhân đứng tên hoặc tiền mặt hoặc chuyển khoản “lòng vòng” qua nhiều bên trung gian, nhằm né các giao dịch, giấu nhẹm việc mua bán hóa đơn.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều