Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thu hút được vốn đầu tư thì khó phát triển

Phạm Tùng
07:25, 06/06/2024

Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tại Hội nghị Giao ban kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, diễn ra ngày 5-6.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Cùng tham dự và chủ trì hội nghị có Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang; các Phó chủ tịch UBND tỉnh.

Không thả nổi giá thuê đất tại các khu công nghiệp

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành công nghiệp chủ lực có mức tăng trưởng khá như: chế biến thực phẩm tăng hơn 6%; may mặc tăng gần 7%; sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy tăng hơn 10%. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định với diện tích gieo trồng vụ đông - xuân trên 39,4 ngàn hécta, tổng đàn gia súc trên 2,1 triệu con. Thu ngân sách 5 tháng đạt trên 26,5 ngàn tỷ đồng (đạt 48% dự toán trung ương giao và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023). Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 9,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ, xuất siêu 2,8 tỷ USD...

Trong tháng 5-2024, các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm đã giải quyết việc làm cho hơn 11 ngàn lượt người. Lũy kế trong 5 tháng đầu năm, đã giải quyết việc làm cho gần 43 ngàn lượt người, đạt hơn 53% kế hoạch năm, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023.

Trên địa bàn tỉnh, lĩnh vực văn hóa - xã hội diễn ra các hoạt động sôi nổi, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của nhân dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm, Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai Trần Quốc Tuấn cho biết, trong quý I-2024, tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, đơn hàng ít. Tuy nhiên, bước qua quý II, tình hình sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi, đơn hàng của các doanh nghiệp tương đối khá.

Theo Phó giám đốc Sở Tài chính Ngô Đức Thắng, dự ước trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt gần 31 ngàn tỷ đồng, đạt 55% dự toán và đạt 111% so với cùng kỳ năm 2023.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh ghi nhận những nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh trong tháng vừa qua. Tăng trưởng kinh tế tốt hơn; thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư có những chuyển biến tích cực; tăng trưởng xanh vào tốp 3 cả nước. Đối với công tác thu nội địa 5 tháng đầu năm, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, 85% nguồn thu đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong đó khối FDI chiếm khoảng 59%. “Vậy thu nội địa chủ yếu từ đâu? Nếu Đồng Nai không đẩy mạnh nguồn thu từ đầu tư FDI và đầu tư ngoài nhà nước thì thu nội địa sẽ không được nhiều” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Từ thực tế đó, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, thu hút đầu tư là rất quan trọng. Muốn thu hút đầu tư thì phải có môi trường đầu tư tốt. Tuy nhiên, hiện nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã có phản ánh về sự tăng giá thuê đất bất hợp lý của các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Tình trạng đẩy giá thuê đất tại các KCN lên quá cao khiến các nhà đầu tư thứ cấp không lựa chọn đầu tư vào Đồng Nai. Điều này đồng nghĩa với việc tỉnh sẽ không thu hút được nhà đầu tư. “Không kéo được nhà đầu tư, không kéo được vốn về thì làm sao phát triển?” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đặt vấn đề.

Do đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phải kiểm soát, không thả nổi giá cho thuê đất tại các KCN. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ công chức với các nhà đầu tư.

“Không để xuất hiện những cán bộ vô trách nhiệm đối với vấn đề này, không chấp nhận những cán bộ ngồi vị trí đó mà không đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý.

Thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy phát triển

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình kinh tế - xã hội trong 5 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, thách thức. Khu vực kinh tế có tăng trưởng nhưng mức tăng còn thấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục gặp nhiều khó khăn; công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị còn chậm; giải ngân vốn đầu tư công chậm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng có tiến bộ nhưng chưa đạt kỳ vọng; dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, vi phạm về an toàn lao động, cháy nổ, ngộ độc thực phẩm còn xảy ra.

Để đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đã đề ra, trong những tháng còn lại của năm 2024, các sở, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: công tác quy hoạch; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công; công tác chuẩn bị triển khai Luật Đất đai năm 2024; chuẩn bị nhân sự thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đường cao tốc, đường tỉnh; công tác thu - chi ngân sách; phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phòng, chống dịch bệnh; tổ chức các kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trường công lập và tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, giữ gìn an ninh trật tự.

“Sở Kế hoạch và đầu tư phối hợp đơn vị tư vấn phải hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước ngày 15-6” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu.

Phạm Tùng

 

Chủ tịch HĐND tỉnh THÁI BẢO:

Giải tỏa những điểm “nghẽn” do quy hoạch

Quy hoạch tỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua nghị quyết, đến nay gần 2 tháng nhưng vẫn còn đang rà soát, tiếp thu các ý kiến của Hội đồng Thẩm định quy hoạch quốc gia. Đặc biệt vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ nên chúng ta phải rà soát, cập nhật để điều chỉnh phù hợp. UBND tỉnh đã xác định sẽ trình Thủ tướng Quy hoạch tỉnh trong tháng 6-2024 nên phải tập trung để hoàn thành. Hiện nay, nhiều dự án liên quan đến quy hoạch muốn triển khai nhưng bị vướng. Do đó, Quy hoạch tỉnh sớm được phê duyệt sẽ giải tỏa những điểm nghẽn trong việc thực hiện một số lĩnh vực quan trọng.

 

Chánh Văn phòng Tỉnh ủy VIÊN HỒNG TIẾN:

Xây dựng kế hoạch di dời các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1

UBND tỉnh cần sớm xây dựng kế hoạch để di dời các doanh nghiệp ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Lộ trình đưa ra có 2 giai đoạn: cuối năm 2024 và cuối năm 2025. Do đó, nếu chậm có kế hoạch thực hiện thì sẽ bị chậm tiến độ.

Ngoài ra, các chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Vừa qua, tỉnh đã thực hiện Kế hoạch 30 ngày đêm giải phóng mặt bằng, các sở, ngành, địa phương đã nỗ lực làm và có những kết quả bước đầu. Hiện nay, tỉnh đã gia hạn thêm thời gian thực hiện kế hoạch nên các đơn vị cần nỗ lực hơn nữa để bàn giao mặt bằng cho Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào cuối tháng 6-2024 theo như cam kết với Thủ tướng Chính phủ.

Tin xem nhiều